Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25354-mot-so-van-de-bao-ve-chu-quyen-viet-nam-tren-bien-dong-393254/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25354-mot-so-van-de-bao-ve-chu-quyen-viet-nam-tren-bien-dong-393254/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Một số vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 07/01/2013, 08:43 [GMT+7]
25354

Một số vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông

Để cung cấp cho bạn đọc hiểu sâu thêm về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, góp phần phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Báo Công an Nghệ An trích đăng một số bài viết của Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương - Viện chiến lược và khoa học Công an về “Một số vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”.
 
Kỳ 1:  Chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông
 
Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là một bộ phận của chủ quyền Quốc gia. Việt Nam có chủ quyền không thể bàn cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam có đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
 
Do cấu tạo địa tầng, địa chất, vùng biển phía ngoài 200 hải lý tại vùng biển Nam Trung bộ và Nam bộ thuộc thềm lục địa Việt Nam. Do đó, cũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tại những vùng nói trên, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có chiều rộng tối đa đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
 
Đó là chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định và xác lập chủ quyền của mình trên Biển Đông. Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và học giả nước ngoài về vấn đề này. Các công trình đã công bố có nhiều thông tin xác thực với các lập luận chặt chẽ. Để tránh sự lặp lại không cần thiết, tôi chỉ khái quát những vấn đề lớn về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
 
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu một cách hoà bình và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục từ đầu thế kỷ XVII đến nay.
 
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thực hiện thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, khoảng trước, sau năm 1630 thông qua việc thành lập đội Hoàng Sa và các chúa sau thành lập thêm đội Bắc Hải (để cai quản Trường Sa và các đảo phía Nam).
 
Hiện nay còn ba nguồn thông tin, tư liệu, chứng tích xác nhận một cách chắc chắn hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải và việc thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Một là, các cuốn gia phả, các khế ước, các số đinh, các sổ ghi thuế khoá, các chúc thư... của các dòng họ trên đảo Lý Sơn và các làng quê dọc biển tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, hầu hết các dòng họ ở vùng này liên tục trong hàng trăm năm trước đã có người tham gia đội Hoàng Sa.
 
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền
của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
 
Tại huyện đảo Lý Sơn và huyện biển Sơn Tịnh thuộc Quảng Ngãi còn nhiều di tích (cả phế tích) liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa như Âm Linh Tự, Khu Mô Gió, Miếu Hoàng Sa - nơi đội Hoàng Sa tổ chức tế trời, đất, thần linh trước khi xuất quân, đình An Vĩnh - nơi những người trong đất liền (thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi và các làng ven biển Quảng Nam, Bình Định) đi lính Hoàng Sa tế tự và được thờ phụng...
 
Bất cứ người dân nào ở đảo Lý Sơn cũng biết lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ thức đã tồn tại ba bốn trăm năm nay nhằm cầu mong những người lính thuộc đội Hoàng Sa được bình an “có đi có về”.
 
Hai là, có 6 cuốn sử chính thống của Quốc gia và một số tác phẩm nổi tiếng của các học giả Việt Nam hàng trăm năm trước nói về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
 
Ngoài các cuốn chính sử quốc gia và tác phẩm của các học giả nói trên, còn một số văn bản của Nhà nước Việt Nam (trước khi Pháp xâm lược) về lập đội Hoàng Sa: Quan Án sát và Bố chính tỉnh Quảng Ngãi ký lệnh lập đội Hoàng Sa do ông Đặng Văn Xiểm (thôn Hoa Diêm, phường An Hải, huyện Bình Sơn), ông Dương Văn Đình (thôn Hoa Diêm) thi hành 3 thuyền, mỗi thuyền 8 người (cả đội 24 người). Bức lệnh này ký ngày 15/4/1834 (Minh Mạng thứ 15).
 
Ngày 9/4/2009, họ Đặng (do ông Đặng Tôn, con trưởng đời thứ 6 của ông Đặng Văn Xiểm) đã hiến cho Nhà nước Việt Nam tờ lệnh của quan Án sát Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi ký ngày 15/4/1834. Trong thời gian qua (2008 - 2010) nhiều gia đình Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam còn hiến cho Nhà nước một số văn tự chính thống của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Ba là, có nhiều lịch sử, địa lý, hồi ký, thư từ giao dịch trao đổi của các học giả, thương gia, giám mục, linh mục nước ngoài cách đây vài ba thế kỷ cũng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Có nhiều cuốn sách lịch sử, địa lý, ký sự của các quan chức nhà nước Trung Hoa phong kiến và các học giả Trung Quốc ghi rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam: 1 - “An Nam Đồ chí” của Đặng Chung soạn năm 1680; 2 - “Toàn Tập Thiên nam Chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá soạn năm 1968; 3 - “Hải Ngoại ký sự” của Thích Đại Sán soạn năm 1967; 4 - “Hải lục” viết vào năm 1984 có đoạn: “...Những bãi cát nổi trên biển dài mấy ngàn dặm, làn phên dậu bên ngoài của nước An Nam”.
 
Đời nhà Minh còn có “Thiên học thống nhất Chi đồ” trong “Đại Minh Nhất Thống chí” (1461) và “Hoàng Minh đại thống nhất Tổng đồ” trong “Hoàng Minh Chúc Phương Địa đồ” (1635) đã vẽ phân cực Nam của nhà Đại Minh là đảo Hải Nam (không có Hoàng Sa, Trường Sa).
 
Đời nhà Thanh có nhiều sách địa lý, lịch sử và bản đồ do triều đình ấn hành cũng xác nhận cực Nam của nhà Đại Thanh là đảo Hải Nam. Bộ sách địa lý: “Đại Thanh Nhất Thống chí” do Quốc sử quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời đề tựa của Hoàng đế Thanh Tuyên Tông không có Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Bản đồ “Hoàng Thanh Nhất Thống Dư địa Bản đồ” do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 xác nhận “Lãnh thổ của nhà Đại Thanh chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đô”, do nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Cuốn “Trung Quốc Địa lý Học giáo khoa thư” xuất bản năm 1906 xác nhận: “Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18” ( quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ tuyến 15 đến vĩ tuyến 17, Trường Sa từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 12).
 
Theo Phạm Hoàng Quân, từ đời Hán đến cuối triều Thanh, ở Trung Quốc có khoảng 120 cuốn sách các loại (sách địa lý, sách lịch sử, ký sự, hồi ký, sách quân sự, sách về biển đảo...) có đề cập trực tiếp đến Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) nhưng không có một cuốn chính sử nào (như Đại Nguyên nhất thống chí 1294, Đại Minh nhất thống chí 1461, Đại Thanh nhất thống chí 1842) nói về chủ quyền của nhà nước phong kiến Trung Hoa đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có hơn một chục cuốn sách lịch sử, địa lý, bản đồ do Nhà nước phong kiến Trung Quốc chỉ đạo biên soạn và vẽ (đây là những tài liệu chính thống của Nhà nước) và các công trình (sách, bản đồ) của các học giả Trung Hoa xác định lãnh thổ cực Nam trên biển của Nhà nước Trung Hoa (Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh) là từ cực Nam đảo Hải Nam (khoảng 18030 phút vĩ độ Bắc) trở lên.
 
Còn có hàng chục cuốn sách địa lý của các nhà địa lý lừng danh người Ý viết ở thế kỷ XIX, các cuốn ký sự, hồi ký, thư từ trao đổi của các thương gia, các giám mục, linh mục Thiên chúa giáo Tây Âu trong thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Các cuốn sách này xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc xứ Đàng trong (thời kỳ các chúa Nguyễn) hoặc thuộc nhà Nguyễn Việt Nam.
 
Về mặt pháp lý, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ký 20/7/1954 tại Giơnevơ (Thụy Sỹ) giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu) và đại diện quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương (tướng Đentây) có 6 chương, 47 điều và một bản phụ lục (gọi tắt là hiệp định Geneve 1954). Chính phủ Pháp chính thức thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
 
Hiệp định Geneve 1954 xác nhận: Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để tách lực lượng hai bên, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thực hiện việc quản lý hành chính phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 17 và thực thi chủ quyền đối với vùng biển và các đảo ở phía Bắc vĩ tuyến 17, Việt Nam Cộng hoà (Sài Gòn) quản lý phần lãnh thổ phía Nam phần vĩ tuyến 17 và thực thi chủ quyền của Việt Nam với vùng biển và các đảo ở phía Nam vĩ tuyến 17, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Từ 8/5 đến 21/7/1954 tại Geneve (Thụy Sỹ) diễn ra hội nghị Geneve về Đông Dương giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào, Việt Nam Cộng hoà (chính quyền Bảo Đại ở Sài Gòn).
 
Ngày 21/7/1954, các bên tham gia hội nghị Geneve về Đông Dương đã ký bốn văn kiện: Một bản tuyên bố cuối cùng và ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Các văn kiện của Hội nghị Geneve về Đông Dương đã xác định rõ: Pháp và các nước tham gia hội nghị Geneve về Đông Dương công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có việc thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
 
Từ những điều trình bày ở trên cho thấy: Việt Nam có cơ sở lịch sử, văn hoá và pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể phủ nhận của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và sự thật Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa một cách hoà bình, liên tục từ thế kỷ XVII đến nay.
(Còn nữa)

Lê Văn Cương
.