Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25272-ban-lang-khong-con-doi-chu-393322/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25272-ban-lang-khong-con-doi-chu-393322/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bản làng không còn đói chữ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 03/01/2013, 08:00 [GMT+7]
25272

Bản làng không còn đói chữ

Từ cuộc sống khốn khó...
 
Đường vào bản mùa này lầy lội. Bùn nhão và những đoạn đường gập ghềnh đá. Những bông hoa lau trắng mướt lung lay trong gió như gọi mời, chào đón. Phía xa, nương mía đang chờ người đến thu hoạch. Những chiếc xe tải với khối lượng lớn đến tận bản, chực sẵn chỉ chờ bà con thồ sắn, chở mía đến tận nơi.
 
Tiền trao cháo múc, nhìn những nụ cười của bà con dân bản lòng vui mừng phấn khởi. Vậy là một mùa thu hoạch đầy bội thu. Trên con đường ấy, tiếng cười, tiếng hát của các em học sinh như xua tan đi cái lạnh ở miền sơn cước. Với bà con dân bản, ấy là một tín hiệu đáng mừng.
 
Con em mình giờ đây đã thoát khỏi cái nạn mù chữ, đã được đến trường để tìm con chữ. Ánh sáng đã len lỏi về với bà con dân bản dẫu còn đó nhiều khó khăn.
 
Bản Ồ Ồ và Già Hóp thuộc xã Tường Sơn là hai bản liền kề với tổng 148 hộ, 100% là dân tộc Thái. Nơi đây, được mọi người biết đến với những thiếu thốn và chồng chất những khó khăn. Những con người di dân tự do đến đây. Cuộc sống của bà con dân bản ngặt nghèo. Ngày lên nương làm mía, làm sắn.
 
Tối, dưới ánh sáng leo lắt của đèn dầu, chị em phụ nữ bên khung cửi, dặt dìu tiếng thoi đưa dệt những tấm khăn choàng, những chân váy để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn tận tình hướng dẫn các em học sinh giải nhanh một bài toán
 
Nếu như bản Ồ Ồ, người dân hợp đồng riêng với nhà máy xí nghiệp chè tháng 10 tự mua dây về để kéo điện, phục vụ cho việc sinh hoạt của mình thì ở bản Già Hóp, 71 hộ với 308 khẩu, bà con vẫn khắc khổ với việc dùng điện bằng cách lắp đặt thủy điện mini để có nguồn điện thắp sáng, còn các tiện nghi như ti vi, quạt điện không thể sử dụng.
 
Ở đây các khe suối có độ dốc thấp, lượng nước lại không nhiều nên vào mùa nóng, lượng nước ít nên nguồn điện phập phù. Mùa mưa, nước dâng cao cuốn trôi tua - bin... Không chỉ hệ thống điện mà trường trạm ở đây cũng chưa đầy đủ đã khiến cho đời sống bà con vốn dĩ khó khăn lại càng vất vả. Trong cái nghèo đói, việc học của con em ở đây vô cùng mong manh.
 
Con em thất học
 
Cuộc sống thiếu thốn cùng với việc đường rừng gập ghềnh trắc trở lại xa ngái nên nhiều em học sinh bỏ học giữa chừng. Có chăng một vài nhà có điều kiện thì đưa con đến xã Hội Sơn và Cẩm Sơn, cách 7 - 10 km, gửi nhờ nhà họ hàng để học.
 
Nguy cơ thất học đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân đồng bào dân tộc nơi đây. Chỉ tính từ năm học 2009 - 2010 đến nay đã có 23 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 bỏ học.
 
Anh Lô Văn Mão, Trưởng bản Già Hóp cho biết: Hiện tại, 2 bản có một điểm trường Tiểu học nên con em mình có điều kiện đi học, chứ số học sinh của bản theo học THCS không có em nào học ở trường THCS Tường Sơn. Cũng chỉ vì gia cảnh khó khăn, đường sá xa xôi, nên bất đắc dĩ mới phải để con cái mình bỏ học giữa chừng.
 
“Đi học thì phải ở trọ tận ngoài xã, mà gia đình mình tiền không có cho con học nói gì thuê nhà trọ”, anh Lương Văn Sáng có con trai theo học lớp 8 giữa chừng thì bỏ học chia sẻ với chúng tôi. Không những thế, ngoài điểm trường tiểu học đã được đầu tư xây dựng thì ở bậc mầm non vẫn chưa có lớp.
 
Từ trước đến nay, các cháu đang phải học nhờ trong nhà văn hóa của bản Ồ Ồ. Căn nhà gỗ ẩm thấp chật chội, mỗi lần có họp hành trong bản thì các cháu mầm non lại phải nghỉ học. Nhìn cảnh các em trong độ tuổi đến trường đang gùi sắn trên vai khiến cho tôi không khỏi chạnh lòng.
 
Thầy giáo Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng GD & ĐT huyện Anh Sơn phát biểu tại buổi lễ khai giảng hai lớp học bổ túc văn hóa
 
Gian nan tìm con chữ
 
Tình trạng bỏ học giữa chừng ở học sinh THCS trong 2 bản trở thành nỗi lo âu của nhiều gia đình, niềm trăn trở của Phòng GD & ĐT huyện Anh Sơn. Từ việc hòa mình vào tập tục của bà con dân bản, Thầy Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng GD huyện Anh Sơn đã trực tiếp đến với bà con dân bản động viên, khuyên nhủ, thuyết phục để con em họ được đến trường.
 
Để làm được điều đó, trước hết Phòng GD & ĐT huyện Anh Sơn đã phối hợp với trường Mầm non xã Tường Sơn, UBND xã Tường Sơn quyết định chuyển lớp mẫu giáo gồm 30 cháu từ 3 đến 5 tuổi từ nơi học cũ ở bản Ồ Ồ về học tại nhà công vụ của trường Tiểu học Tường Sơn. Đặc biệt là thành lập cụm giáo dục Ồ Ồ, Già Hóp với mục tiêu xử lý các loại hồ sơ tại chỗ, học sinh không phải đi xa.
 
Cụm giáo dục còn tìm hiểu thực tế hoàn cảnh của các gia đình để có cách thuyết phục hợp lý, làm cầu nối giữa nhà trường và Đảng ủy, chính quyền xã Tường Sơn, xã Hội Sơn và bà con dân bản. Thành công bước đầu là Phòng GD & ĐT huyện Anh Sơn đã vận động học sinh hai bản Ồ Ồ, Già Hóp tiếp tục đến với cái chữ, bước đầu chấm dứt tình trạng khủng hoảng tại nơi đây.
 
Vào một ngày giữa tháng 8/ 2012, hai lớp bổ túc văn hóa gồm lớp 7 và lớp 8 cho con em hai bản được mở tại điểm trường Tiểu học Tường Sơn với 26 em học sinh. Những món quà ý nghĩa như chiếc cặp, quyển sách, chiếc bút... từ sự quan tâm ở phía ngành Giáo dục đến các cấp chính quyền đã tạo niềm tin nơi bà con dân bản và gửi gắm vào đó ước mơ mong các em đều đặn đến trường mỗi ngày và hăng say trau dồi học tập.
Điểm trường Tiểu học Tường Sơn nằm tại bản Ồ Ồ.
 
Trường nằm giữa núi rừng hùng vĩ và bao la. Có mặt tại trường giữa giờ ra chơi của các em học sinh. Các em bậc tiểu học và các em ở lớp bổ túc văn hóa ở hai bản Ồ Ồ, Già Hóp lại vui vẻ chơi các trò chơi sau những bài học căng thẳng.
 
Sân trường đất đá không bằng phẳng nhưng các em vẫn say sưa nhảy dây, đánh bi đánh đáo. Một vài em đang được cô giáo tranh thủ giờ ra chơi trau dồi nét chữ. Tại lớp học bổ túc, tuy nét chữ còn vụng về không được tròn trịa và mềm mại như xưa, bài toán ấy tưởng chừng như khó hiểu nhưng chúng tôi nhận thấy trong ánh mắt các em khát khao được đến lớp, được cảm nhận một điều gì đó mới mẻ như mới lần đầu theo cha mẹ tới lớp với tình yêu thương từ thầy cô bạn bè.
 
Thầy giáo Lê Đình Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 cho biết: Để mở được hai lớp bổ túc văn hóa đã là một sự thành công rất lớn của ngành giáo dục huyện nhà Anh Sơn. Gia đình các em rất vui mừng phấn khởi động viên con em mình đến trường. Nhiều em cũng háo hức quay trở lại lớp học với mong muốn có tấm bằng tốt nghiệp cấp 2 để đi tìm việc làm.
 
Với giáo viên chúng tôi, mặc dù đi lại khó khăn, đường sá xa xôi, nhưng với tình yêu nghề, thương các em ở bản, ngày qua ngày chúng tôi vẫn thay phiên nhau vào bản để gieo chữ giúp các em đạt được ước mơ của mình.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên dạy môn toán lớp 7 chia sẻ: Nếu như trước đây con đường đến trường của các em vô cùng mong manh và gian khổ thì giờ đây các em học sinh đã cảm nhận được tình cảm của thầy cô với ánh mắt biết ơn.
 
Thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn như: Để trau dồi kiến thức đã hổng cho các em là một điều không dễ dàng; Có một vài em sau khi theo học không thể bắt nhịp lại tiếp tục bỏ học nên để vận động đi học lại cũng khó.
 
Ngoài ra, tại điểm trường Tiểu học Tường Sơn, phòng nghỉ cho thầy cô giáo sau giờ ra chơi không có. Trường nằm trên cao. Sân trường đất đá nên rất nguy hiểm cho các em vào những giờ ra chơi chạy nhảy nô đùa.
 
Tiếng trống trường vang lên, báo hiệu giờ ra chơi đã hết. Chia tay thầy cô cùng các em để về xuôi, chúng tôi mang theo bao tâm trạng buồn vui. Mong lắm nhiều lớp học như thế này được mở để các em có cơ hội đến trường. Mong cho ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực. Hy vọng một ngày không xa, hai bản Ồ Ồ, Già Hóp sẽ là một điểm sáng nhỏ trong phong trào Giáo dục của huyện Anh Sơn.

Phan Tuyết
.