Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/25178-trao-doi-ve-bai-viet-phat-hien-sac-co-thoi-canh-hung-393393/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/25178-trao-doi-ve-bai-viet-phat-hien-sac-co-thoi-canh-hung-393393/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trao đổi về bài viết “Phát hiện sắc cổ thời Cảnh Hưng” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 28/12/2012, 09:15 [GMT+7]
25178

Trao đổi về bài viết “Phát hiện sắc cổ thời Cảnh Hưng”

1. Bản dịch trong bài viết rằng: “Sắc phong cho xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên, thờ ông Đặng Nghị đã làm đội trưởng ưu binh trung hãn thuyền, bản thân ông kiêm chức quan thống lĩnh Hải quận công, đi đánh giặc ở đạo Nghệ An, từng phá trận đánh Bào Giang, Đá Lý, bắt được bọn giặc dữ, đã có nhiều công tích, lệnh nhà vua chuẩn y thăng cho chức bách hộ, có khả năng làm Phấn lực tướng quân, gọi là tráng sỹ bách hộ với hạ trật. Vậy có sắc này. Ngày 18/10 năm thứ 27 đời Cảnh Hưng”.

Qua bản dịch này, chúng tôi thấy tác giả đã dịch sai văn bản dẫn tới hiểu sai nội dung và làm sai lệch lịch sử. Dựa vào bức ảnh chụp sắc phong in trên báo, chúng tôi xin được dịch lại như sau:

Sắc cho Đặng Nghị (quê quán) ở xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên là Đội trưởng Đội Ưu binh cơ Trung hãn thuyền. Bản thân theo quan Kiêm thống lĩnh Hải quận công đi chinh phạt ở đạo Nghệ An, đánh phá các trận Bào Giang và Đá Lý, bắt được bọn giặc, rất có công tích. Đã ra chỉ chuẩn cho chức Bá hộ, đáng được gọi là: “Phấn Lực tướng quân”, hiệu là “Lệnh Tư tráng sỹ”, Bá hộ, Hạ trật. Cho nên ban sắc!

Đây là sắc phong cho người đang sống được thăng thêm chức tước chứ không phải sắc phong cho người đã mất trở thành thần thánh. Do đó tác giả nói rằng “Qua nghiên cứu bản sắc phong và gia phả họ Đặng cho thấy Hải quận công Đặng Nghị được lập đền thờ ở xã Nghĩa Liệt (nay là xã Hưng Lam - Hưng Nguyên - Nghệ An) là hoàn toàn không chuẩn xác. Đây chỉ là Sắc cho Đặng Nghị có quê quán ở xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên mà thôi.

Sắc phong này có nhắc đến 2 nhân vật, 1 người là Đội trưởng Đội lính ưu binh có tên là Đặng Nghị và 1 người là quan Kiêm thống lãnh có tước là Hải quận công. Ông Đặng Nghị đi theo Hải quận công đánh giặc chứ ông Đặng Nghị không hề “kiêm chức quan thống lĩnh và cũng không phải là Hải quận công”. Trong đoạn này tác giả mâu thuẫn ở chỗ câu trước thì nói ông Đặng Nghị làm đội trưởng ưu binh, câu sau thì lại nói kiêm làm quan thống lĩnh. Trong quân đội xưa cũng như nay, không có trường hợp nào vừa làm lính lại vừa làm tướng cả. 
 
Sắc phong cho lính ưu binh năm Cảnh Hưng thứ 2 do Thư viện tỉnh Nghệ An sưu tầm
 
Theo như đã trình bày ở trên thì sắc phong này ban cho ông Đặng Nghị có công theo Hải quận công Phạm Đình Trọng đi đánh dẹp khởi nghĩa nông dân thế kỷ 18. Những cuộc khởi nghĩa này bắt đầu khoảng năm 1769 và kết thúc khoảng năm 1793 trong 2 đời vua Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông và 3 đời chúa là Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm.
 
Thế nhưng tác giả lại viết rằng đạo sắc này “dùng nghiên cứu, chứng minh những nhân vật và sự kiện lịch sử từng diễn ra trên đất Nghệ Tĩnh trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài ngót 50 năm”. Trong khi cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn trên đất Nghệ An diễn ra ở thế kỷ 17 vào khoảng những năm 1655 - 1660.
 
Hơn nữa, trong sắc phong không hề có một chữ nào nói về mối quan hệ giữa các dòng họ với nhau, vậy mà tác giả lại khẳng định: “Đạo sắc này cũng hé mở Hải quận công Đặng Nghị có quan hệ với họ Đặng làng Phật Não và họ Đặng ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội cũng như một số họ Đặng ở Nghệ Tĩnh”.
 
2. Một điều chúng tôi muốn trao đổi thêm đó là đạo sắc này thuộc sắc phong cho lính ưu binh. Đây là những người lính được triều đình Lê Trịnh tuyển chọn kỹ càng ở đất Thanh - Nghệ để phục vụ sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Sau khi dẹp xong họ Mạc, triều Lê Trịnh tiếp tục tuyển và dùng làm quân Túc vệ để canh giữ phủ chúa cung vua nên ưu binh cũng có được một số đặc quyền như được cấp ruộng đất hay cấp sắc phong.
 
Trên sắc phong có những mỹ từ như: “Phấn Lực tướng quân, Tráng Tiết tướng quân, Trì Uy tướng quân”... Vì thế nên nhiều người lầm tưởng đây là sắc phong cho những vị đại tướng quân hay là những vị thần được triều đình cho lập đền miếu để thờ phụng. Thực chất họ chỉ là những người lính mà thôi.
 
Hiện nay, có rất nhiều đạo sắc phong kiểu này đang được lưu giữ tại nhiều gia đình và dòng họ trên địa bàn Nghệ - Tĩnh. Vì vậy cần phải tìm hiểu những văn bản này thật kỹ càng để tránh những trường hợp như trên.

Trần Tử Quang
.