Cán bộ xã làm thầy giáo phụ đạo
Về huyện Tân Kỳ, nghe tin có một cán bộ UBND xã 14 năm nay mở lớp dạy học miễn phí cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh học kém, chúng tôi đã về tìm gặp người “thầy” này trong một chiều đông giá rét. Đến đầu xã Tân Long, hỏi thăm nhà anh Nguyễn Viết Học, đám trẻ con tranh nhau chỉ dẫn nhà “bác Học” ở xóm Tân Lập một cách quý trọng.
Chiều muộn. Giữa tháng chạp cơn mưa phùn lất phất, anh Nguyễn Viết Học mới cắp chiếc cặp da nâu sờn về nhà. Rót vội chén nước chè ấm, anh bảo mình vừa mới ở trụ sở xã về rồi bắt đầu câu chuyện dạy phụ đạo cho các em trong xã bằng chất giọng trầm ấm.
Qua câu chuyện về đời tư, tôi biết anh 3 tuổi đã mồ côi cha. Năm 1968, Nguyễn Viết Học theo mẹ từ huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) tập kết ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) để tránh bom đạn của giặc Mỹ và gây dựng cuộc sống mới nơi đây.
Từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Viết Học đã sớm có ý thức học tập để tu dưỡng mình thành người có ích cho xã hội. Lớn lên, vì điều kiện gia đình khó khăn, năm 1981, anh không theo học tiếp đại học mà tình nguyện ghi tên mình vào bộ đội biên phòng đóng quân bám trụ 4 năm bảo vệ biên giới ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An.
Năm 1984, Nguyễn Viết Học được giải ngũ về quê xây dựng gia đình rồi tham gia phong trào đoàn thể địa phương cho đến nay. “Thực ra, tui cũng chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ trong muôn vàn việc tốt mà xã hội đang hướng tới. Nghề dạy học thêm như thế này cho các em cũng là mong muốn của tui để giúp cho các cháu có thêm kiến thức văn hoá. Hơn nữa, muốn tập trung các em học tập theo nề nếp nhằm tránh xa các tệ nạn xã hội. Mình có chút kiến thức từ thời đi học cho đến lúc đi bộ đội nên muốn truyền lại cho con em địa phương” - anh Học khiêm tốn nói.
Anh Nguyễn Viết Học tranh thủ tìm hiểu thông tin trên máy tính
để phục vụ việc phụ đạo cho các học sinh
Với tâm niệm phát động phong trào “Nhà nhà đi học, người người đi học”, từ năm 1998 đến nay, khi còn là cán bộ văn phòng UBND xã Tân Long, Nguyễn Viết Học đã bắt tay vào việc dạy học phụ đạo cho những em trong xóm.
Bằng kiến thức sẵn có của mình và năng khiếu truyền đạt kiến thức cơ bản về các môn Văn - Toán - Lý - Hoá, “thầy giáo” Nguyễn Viết Học đã tự mình “dùi mài kinh sử”, lục lại kiến thức cũ, cập nhật thêm kiến thức mới để dạy học cho một số em trong làng.
Sau khi kèm cặp cho các em trong làng học thêm phần phụ đạo kiến thức vào buổi tối, ngày nghỉ nhiều em học sinh đã được anh Học “truyền lửa” nên tiến bộ một cách rõ rệt. Tiếng lành đồn xa, từ việc chỉ dạy học miễn phí cho những em yếu kém, những cháu có hoàn cảnh khó khăn trong xã đang theo học cấp 1, cấp 2 đến nay, vào mỗi tối lớp của anh đã có tới 30 đến 40 em.
Có lúc đông học trò quá, căn phòng 2 gian cấp 4 tại tư gia của anh không đủ cho các em ngồi, “bác Học” lại phải chia thứ, chia ca ra để dạy kèm cho các cháu. Anh kể, nhiều lúc mình bận việc xã tối mịt mới về nhà đã thấy các em đứng đợi trong sân.
Không kịp ăn cơm, anh đi vào phòng thay đồ rồi lại cầm phấn dạy các em học bài. Những hôm thấy thiếu vắng một vài gương mặt quen thuộc tại lớp học nhà mình, anh lại lo lắng, tìm hiểu xem tại sao các cháu đó không đến như mọi ngày…
Và, cứ thế, hàng ngày, anh Nguyễn Viết Học đến trụ sở UBND xã làm việc, đêm về, anh lại miệt mài bên những bài toán khó hay say sưa giảng giải những bài văn hay với hàng chục cô cậu học trò cấp 1, cấp 2 ở đây. 14 năm nay, anh cán bộ xã vẫn âm thầm làm công việc dạy phụ đạo không lương mà không một lời ca thán.
Bây giờ, anh vừa đảm nhận chức vụ cán bộ tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Long nhưng chưa lần nào anh rời các em, rời lớp học buổi tối tại nhà mình.
Tâm nguyện nhỏ nuôi ước mơ lớn
Là một cán bộ xã, đồng lương eo hẹp, thiếu thốn nhưng Đảng viên Nguyễn Viết Học chưa bao giờ rời ý nguyện của mình về việc dạy học phụ đạo cho các em trong làng.
Vợ anh, chị Giản Thị Thuỷ một công nhân nông trường sông Con đã nghỉ hưu, vẫn miệt mài bên từng lô cao su, cà phê, mía, sắn để thay chồng tăng gia sản xuất nuôi 2 con đang học đại học.
Những lúc đầu tắt mặt tối, lũ trẻ trong làng đến tập trung ở sân như bầy ong vỡ tổ nhưng chị vẫn dịu dàng, điềm đạm để chồng làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trong suốt 14 năm qua tại nhà mình để lo cho sự học trong làng, trong xã.
Đêm đến, anh Học lại say sưa giảng bài miễn phí cho các em nhỏ
“Ban đầu, thấy ông nhà tui dạy kèm cặp cho một vài con em quanh xóm thấy cũng tốt. Nhưng sau ni không ngờ càng ngày thì số các cháu đến càng đông. Tui hỏi ông lấy đâu ra kiến thức mà dạy bọn trẻ, ông chỉ cười rồi nói: Tui tự mày mò, ôn luyện lại kiến thức mình đã từng được học. Bây giờ, thấy chồng đam mê dạy học có lúc quên cả ăn, tui đâm lo cho sức khoẻ của ông ấy nhưng cũng thương mấy đứa nhỏ cứ đến xin “bác Học” dạy học” - Chị Giản Thị Thuỷ tâm sự.
Không chỉ gánh phần việc gia đình, nhiều năm qua, chị chịu khó lam lũ để chồng cứ tối đến là cặm cụi đọc, giảng cho lũ trẻ học bài. Thấy việc làm của anh hàng ngày được bọn trẻ say sưa chăm chỉ học tập, bà con trong xã ai cũng vui mừng, cảm phục.
Anh Học cho biết: “Việc dạy học bây giờ phải có sự sáng tạo mới tiếp thêm niềm đam mê cho các cháu được. Việc dạy và giảng bài khô khan sẽ khiến các em chán nản, chây lười. Cứ mỗi đầu buổi học, thầy và trò thường tạo ra tâm lý thoải mái bằng các câu chuyện về đối nhân xử thế, lễ, nghĩa, hiếu trong gia đình. Điều này sẽ làm cho các em có ý thức về đạo làm người từ đó tu thân học tập sẽ hiệu quả hơn”.
Qua cách truyền đạt của anh Học, nhiều em đến đây học thường thích cách giảng giải say sưa của “bác Học” mà quên cả thời gian. Có những em nhà xa, trời mưa gió được vợ chồng “bác Học” tạo điều kiện cho ngủ lại. Có những em chưa kịp ăn, bố mẹ đi làm nương rẫy chưa về, vợ chồng anh Học lại phải nhường phần cơm cho các em mỗi buổi tối…
Chị Chu Thị Lan, phụ huynh của em Phạm Thị Thảo ở xã Nghĩa Hoàn được “bác Học” dạy phụ đạo thêm môn Văn nay đậu vào trường chuyên Phan Bội Châu phấn khởi nói: “Nhờ có bác Học, cháu nhà tui đã có thêm động lực để phấn đấu học tập. Ngày cháu cầm đèn pin theo đám bạn mò mẫm sang bên nhà bác ấy ở xã Tân Long cách xa cả chục cây số, tui cũng không tin một anh cán bộ xã lại có thể dạy học cho nó được. Nhưng khi biết lực học của cháu ngày càng tiến bộ, tui mừng lắm. Ơn bác Học nhiều lắm”.
Không chỉ nhiệt huyết dạy phụ đạo cho các cháu, anh Học còn trích phần lương phụ cấp ít ỏi của mình để động viên những con em địa phương có thành tích cao trong năm học. Hay chỉ là hành động nhận về mình phần việc kèm cặp, giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Nghĩa cử đó của anh được bà con ở đây rất quý trọng.
Còn với anh Học, suốt từng ấy năm dạy học phụ đạo không lương cũng là quãng thời gian anh chỉ có một tâm niệm nhỏ là mong sao cho các con em địa phương mình trưởng thành nên người.
“Ngày trước, ở địa phương còn nghèo lắm. Nhìn cảnh lũ trẻ học hành dở dang rồi phải vào Nam, ra Bắc làm thuê làm mướn tui thương lắm. Rồi có những em vì học ít mà theo chúng, theo bạn sa vào cạm bẫy xã hội. Thôi thì mình còn sức, còn trí tuệ, mình kèm cặp các em trong địa phương học cũng là làm một việc thiện cho xã hội. Chỉ có học thì các em ở đây sau này mới làm cho quê hương thoát nghèo được” - anh Nguyễn Viết Học tâm sự.
Đêm đã buông xuống, chia tay anh trong lất phất mưa thâm. Phía xa, khuất trong ngõ hẻm dưới ánh điện sáng bừng một góc nhà là các em nhỏ miền quê nghèo đang say sưa học bài. Trong tôi sẽ còn lắng đọng mãi hình ảnh người cán bộ xã làm thầy giáo dạy học miễn phí suốt từng ấy năm.
Ngọc Thái
.