Đây được xem là một điểm sáng khi mà nền giáo dục nước nhà đang hướng đến việc thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Mô hình “Trường học mới Việt Nam” (VNEN) là Dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai ở các trường tiểu học trên phạm vi cả nước trong khoảng thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015.
Năm học 2011 - 2012 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thí điểm ở 6 tỉnh với 24 trường và tiến hành triển khai đại trà cho 63 tỉnh với 1.447 trường từ năm học 2012 - 2013. Đây là dự án được quỹ giáo dục toàn cầu thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn là 85 triệu USD với mục đích nhằm đổi mới quá trình sư phạm, đồng thời tăng cường hệ thống cơ sở vật chất và góp phần hỗ trợ học sinh vùng khó khăn được đến trường học cả ngày.
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Riêng ở Nghệ An, dự án bắt đầu triển khai từ năm học 2012 - 2013 cho học sinh hai khối 2 và 3 tại 73 trường của 20 huyện, thành phố, thị xã. Tùy vào điều kiện từng nơi mà có cách triển khai dự án cho phù hợp.
Hiện tại, ở TP Vinh và các huyện miền xuôi, mỗi nơi thí điểm tại 2 - 3 trường; ở các huyện miền núi vùng sâu vùng xa, mỗi nơi thí điểm tại 3 - 5 trường. Dự kiến năm học 2013 - 2014, dự án triển khai tiếp cho học sinh lớp 4 và năm học 2014 - 2015 sẽ triển khai cho học sinh lớp 5 theo hình thức cuốn chiếu dần. Trên cơ sở đó sẽ có đánh giá tổng kết về sự đổi mới giáo dục căn bản toàn diện.
Điểm nổi bật của mô hình “Trường học mới Việt Nam” đó chính là sự đổi mới của quá trình sư phạm. Mô hình áp dụng phương pháp dạy học mới thay thế phương pháp dạy truyền thống với việc học sinh sẽ giữ vai trò trung tâm, còn giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành với học sinh giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học ở lớp.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi trong giờ học theo mô hình giáo dục VNEN
Với mô hình giáo dục tiên tiến này thì đòi hỏi giáo viên phải chủ động tự học, tự tìm tòi, bồi dưỡng. Còn học sinh thì tự học, tự quản lý, tự đánh giá thể hiện qua hình thức học nhóm. Chính yêu cầu này đặt ra cho cả giáo viên và học sinh cần có sự điều chỉnh, thay đổi trong cách dạy và học nhằm thích ứng một cách nhanh nhất để chất lượng học tập ngày càng đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, việc triển khai thí điểm mô hình giáo dục mới đang được thực hiện ở ba môn Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên - Xã hội. Tài liệu của 3 môn học này được sử dụng thay sách giáo khoa, sách giáo viên và vở bài tập hiện hành theo thiết kế 3 trong 1.
Về nội dung thì chương trình vẫn được giữ nguyên, duy chỉ có điểm khác biệt rõ nét giữa tài liệu hiện hành và sách giáo khoa cũ đó là tài liệu hướng dẫn cụ thể về nội dung học tập và các yêu cầu được ghi một cách rõ ràng, chi tiết tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy và học sinh thay đổi phương pháp học tập.
Một bài học theo thiết kế của mô hình giáo dục mới bao gồm: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng. Tùy từng môn học cụ thể mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp như hoạt động cá nhân, hoạt động đôi hoặc hoạt động theo nhóm 3, 4 hoặc 5 người.
Cũng theo mô hình này, ngoài ba môn Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên - Xã hội thì các môn học khác như Đạo đức, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ chuyển sang các hoạt động giáo dục.
Một điểm mới nổi bật và khác biệt nữa của mô hình giáo dục mới đó là hình thức tổ chức lớp học có nhiều thay đổi căn bản: Ban cán sự lớp được thay thế bằng Hội đồng tự quản do tập thể lớp bầu ra. Hội đồng tự quản gồm có Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch phụ trách các nhóm để làm quen với phương pháp tự học, tự làm việc.
Các nhóm học tập sẽ được bầu nhóm trưởng riêng. Thông thường thời gian đầu học sinh nào có năng lực tốt nhất sẽ được bầu làm nhóm trưởng nhưng sau một thời gian thích ứng thì vị trí này sẽ được luân phiên giữa các thành viên trong nhóm.
Bên cạnh đó, không gian lớp học cũng được bố trí lại cho phù hợp với mô hình trường học mới. Lớp học sẽ được chia thành các nhóm, học sinh ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học.
Ở giữa bàn của mỗi nhóm sẽ có một thẻ “cứu trợ” được sử dụng khi cả nhóm có điều thắc mắc mà chưa thể giải đáp và cần đến sự giúp đỡ của các thầy cô giáo. Ngoài ra, không gian trong mỗi lớp học tăng thêm phần sinh động, hấp dẫn khi có sự góp mặt thêm góc Toán, góc Tiếng Việt, góc Tự nhiên - Xã hội, 10 bước học tập để các em thực hiện, góc cộng đồng, hộp thư ý kiến của bạn, góc trưng bày sản phẩm… Chính những nét mới này đã tạo nên một môi trường học tập gần gũi và đạt hiệu quả cao.
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là một trong hai ngôi trường của TP Vinh được chọn làm nơi triển khai thí điểm mô hình “Trường học mới Việt Nam”. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng hai khối 2 và 3, cô Ngô Thị Cát - Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ: “Thời gian đầu, do chưa đủ tài liệu và chưa quen với phương pháp giáo dục mới nên giáo viên phải làm việc khá vất vả. Nhưng đến nay, nhờ thay đổi phương pháp tổ chức và dạy học mà học sinh đã tiếp thu bài học nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Điều đặc biệt hơn nữa là các em đã được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử sau mỗi giờ học. Học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, được làm việc theo nhóm, được tự đánh giá và đánh giá bạn theo từng hoạt động nên đã tạo được tinh thần tự giác cao. Phụ huynh cũng thấy rõ sự thay đổi, tiến bộ của con em mình nên đã cùng chung tay góp sức trong việc trang trí lớp học cũng như hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động ứng dụng”.
Có trực tiếp đến tham gia vào giờ học của các học sinh khối 2, 3 ở đây mới cảm nhận rõ được sự thay đổi tích cực mà mô hình “Trường học mới Việt Nam” mang lại. Lớp học được chia thành nhiều nhóm hoạt động vô cùng tích cực và sôi nổi dưới sự điều hành của nhóm trưởng. Sự thích thú, hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt của các em.
Có một điều rất dễ nhận thấy đó là một số học sinh có tính cách nhút nhát khi tham gia học nhóm như thế này, các em đã hoàn toàn trút bỏ được sự tự ti và đã trở nên mạnh dạn, tự tin để thể hiện khả năng của bản thân.
“Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu rồi cũng nhanh chóng qua đi khi chúng tôi nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình từ phía phụ huynh học sinh. Cả giáo viên và học sinh đều được hưởng lợi rất lớn từ mô hình giáo dục tiên tiến này. Chúng tôi mong muốn mô hình “Trường học Việt Nam mới” sẽ còn được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tiếp theo” - cô Nguyễn Thị Hường, Tổ trưởng tổ Chuyên môn khối 2 tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 90% số trường thực hiện đúng thiết kế của đề án về sự thay đổi môi trường học tập, cách tổ chức lớp học và quá trình sư phạm. Điều đáng mừng hơn nữa là sự thay đổi tích cực diễn ra ở nhiều trường Tiểu học miền núi như: Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu…
Chính điều này đã làm cho khoảng cách giữa giáo dục miền xuôi và miền núi được rút ngắn lại hơn rất nhiều. Cũng theo ông Trần Thế Sơn thì hầu hết các trường đều đã sẵn sàng cho sự thay đổi theo mô hình giáo dục tiên tiến này. Mặc dù trong thời gian tới, quá trình triển khai, nhân rộng sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, cùng sự đồng thuận, hưởng ứng của giáo viên, phụ huynh và toàn thể cộng đồng, chúng ta có quyền tin tưởng vào một sự đổi mới tích cực và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mà mô hình “Trường học mới Việt Nam” mang lại.
Ngọc Anh
.