Gặp Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, người trực tiếp tổ chức chỉ đạo biên soạn cuốn sách và đưa các cán bộ huấn luyện cách đánh B-52 xuống từng tiểu đoàn tên lửa phòng không tập huấn cách đánh B-52 cho bộ đội, tôi hiểu thêm nhiều điều về cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”.
Nhận định sớm muộn, Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh ra Hà Nội, nên Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ đạo Quân chủng PK-KQ nghiên cứu cách đánh B-52. Theo đó, năm 1966 một bộ phận cán bộ PK-KQ đã cơ động vào Khu IV để tìm hiểu quy luật hoạt động, từ đó xác định cách đánh B-52.
Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, kinh nghiệm đánh B-52 dần hình thành. Nhằm tổng hợp và phổ biến cách đánh B-52 đến toàn lực lượng PK-KQ, yêu cầu đặt ra là phải xuất bản một cuốn tài liệu dạy cách tiêu diệt “pháo đài bay”.
Theo chỉ thị của cấp trên, đồng chí Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho Bộ Tham mưu Quân chủng: “Phải tổ chức một bộ phận nghiên cứu, biên soạn tài liệu đánh B-52 càng sớm càng tốt”. Lúc đó, đồng chí Vũ Xuân Vinh (sau này là Trung tướng) đang là Phó tham mưu trưởng phụ trách về nghiên cứu và huấn luyện tên lửa phòng không.
Ông tâm sự: “Quả thực, tôi rất lo lắng vì B-52 là một trong ba phương tiện tấn công chiến lược của Mỹ. Theo lệnh của đồng chí Lê Văn Tri, tôi tổ chức một bộ phận nghiên cứu gồm những cán bộ đầu ngành của Bộ Tham mưu Quân chủng và tranh thủ ý kiến của đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam cũng như ý kiến của các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc Phòng, của Cục Tác chiến, Tổng Cục II… Những ai có thể tranh thủ ý kiến và có trình độ chúng tôi đều mời đến tham gia biên soạn cuốn sách”.
Trung tướng Vũ Xuân Vinh, người trực tiếp chỉ đạo biên soạn cuốn sách
Ngoài những tài liệu quý tổng kết từ thực tiễn các trận đánh B-52 của bộ đội ta, cuốn sách còn dựa vào tài liệu của Bộ Quốc phòng, tài liệu của đoàn chuyên gia Liên Xô và đặc biệt là tài liệu thu được của địch, tài liệu khai thác được từ tù binh Mỹ. Bên cạnh đó, tài liệu nghiên cứu các thiết bị điện tử từ máy bay địch bị ta bắn rơi cũng đóng góp không nhỏ trong quá trình biên soạn cuốn sách.
Những tài liệu này vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn cao. Đây là sự tổng kết những công trình nghiên cứu và kinh nghiệm xương máu về cách đánh B-52 của cả tập thể, những người còn sống và cả những người đã hy sinh.
Trong quá trình biên soạn cuốn sách, ban biên soạn đã gặp không ít khó khăn. Những ngày đầu ban biên soạn còn vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng chính sự bỡ ngỡ ấy đã trở thành động lực để mọi người đi sâu và đam mê tìm tòi, nghiên cứu, từ đó phát huy cao độ tính sáng tạo của mình.
Dưới sự quan tâm sát sao và tạo điều kiện của cấp trên, ban biên soạn đã làm việc không kể ngày đêm để cho ra đời cuốn sách. Trong quá trình biên soạn, nhiều ý kiến trái chiều; nhiều cuộc hội thảo “nảy lửa” đã diễn ra. Nhưng cuối cùng, bằng tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ, cả tập thể đã tìm ra những phương pháp tối ưu nhất.
“Bắt tay vào công việc từ tháng 4/1972, đến tháng 10/1972 thì cuốn sách được chính thức thông qua tại “Hội nghị Diên Hồng” của Quân chủng PK-KQ. Nhưng phải đến chiến thắng đêm cuối tháng 11/1972 của Tiểu đoàn 43 và Tiểu đoàn 44 (Trung đoàn 263) bắn rơi hai máy bay B-52 của Mỹ thì cuốn sách mới được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. Chiến thắng đó là câu trả lời thuyết phục nhất về hiệu quả thực tiễn của cuốn sách.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ phải công nhận Việt Nam bắn rơi “siêu pháo đài bay” B-52. Cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” được nhiều người coi như “bảo bối” của bộ đội PK-KQ để diệt B-52”, Trung tướng Vũ Xuân Vinh kể lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” và coi nó như một trong những nhân tố góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đây là cuốn sách được đúc kết từ xương máu của bộ đội trong những trận đánh ác liệt; là nhiệt huyết của tập thể những nhà khoa học, của cán bộ, chiến sỹ và cả sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Cho đến bây giờ, cuốn sách vẫn mang những ý nghĩa lớn cả về giá trị lịch sử và giá trị thực tiễn.
Hương Bưởi
.