Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác từ các cơ quan chức năng về mức độ an toàn, hợp pháp của các điểm giữ trẻ tư nhân. Mặc dù vậy, những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc phải có những hành động cụ thể, mạnh mẽ, thiết thực hơn trong việc chấn chỉnh, kiểm soát việc hoạt động của những điểm giữ trẻ tư nhân.
Trẻ mầm non là đối tượng có khả năng tự vệ kém do độ tuổi còn quá nhỏ, chưa thể nhận thức hết được mọi sự việc xảy ra xung quanh mình. Bạo hành, ngược đãi trẻ mầm non là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ so với hậu quả từ các vụ bạo hành trẻ em gây ra.
Chẳng hạn, khoản 2 của Điều 17 Nghị định 114/2006/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực, xâm phạm thân thể trẻ em khiến trẻ đau đớn về thể xác và tinh thần. Đây là mức phạt còn quá nhẹ trong khi các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những ảnh hưởng về sức khoẻ mà còn gây tổn thương về tinh thần, có khi những ám ảnh về những lần bị bạo hành còn đeo đẳng tâm trí các em đến suốt cuộc đời.
Theo quy định, trẻ mầm non dưới 36 tháng tuổi chỉ có tối đa 25 trẻ/lớp, còn lứa tuổi mẫu giáo đối với trẻ 3 - 5 tuổi tối đa cũng chỉ 35 trẻ/lớp. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở mầm non công lập ở các thành phố, thị xã đều trong tình trạng quá tải, nhất là khi phải ưu tiên dành “suất” cho các bé 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.
Cần có những giải pháp kịp thời và thiết thực để đảm bảo môi trường an toàn
cho trẻ tại các điểm trông giữ trẻ tư nhân - Ảnh minh họa
Nhiều bậc phụ huynh đã thực sự gặp khó khăn khi nhiều cơ sở mầm non đã từ chối nhận giữ trẻ 12 - 36 tháng tuổi. Tình trạng “bí” chỗ giữ trẻ càng diễn ra gay gắt hơn ở các khu, cụm công nghiệp, những nơi có đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Hầu hết các gia đình này đều chọn các khu nhà trọ ở gần công ty, doanh nghiệp mà họ làm việc để sinh sống, đa số họ đều còn trẻ và đang ở độ tuổi sinh đẻ. Sau khi sinh con, các bà mẹ trẻ phải đi làm trở lại, không có người trông nom, buộc phải gửi con đi nhà trẻ. Việc xin cho con vào một nhà trẻ công lập gần nhà không phải là dễ.
Từ nhu cầu bức thiết trên, các cơ sở giữ trẻ tự phát hình thành nhiều ở các khu dân cư. Mặc dù giá giữ trẻ ở các cơ sở tự phát này không phải là rẻ so với mức thu nhập của họ, giao động từ 400.000 đồng - 800.000 đồng, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.
Sau những vụ bạo hành, xâm phạm thân thể trẻ em xảy ra trong thời gian qua, đã đến lúc cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực và quyết liệt trong việc ngăn chặn đi đến chấm dứt tình trạng nhức nhối trên. Theo đó, chính quyền địa phương kết hợp với ngành giáo dục cần thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động của các điểm giữ trẻ tư nhân. Cần có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh hoạt động đối với những cơ sở hoạt động “chui” không có giấy phép. Tránh tình trạng khi có sự cố đáng tiếc xảy ra mới bắt tay vào cuộc.
Trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở một số nơi đang trong tình trạng quá tải, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các bậc phụ huynh, trước mắt, các ngành chức năng cần mở các khoá đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề nuôi dạy trẻ ngắn hạn cho những người hành nghề tại các cơ sở, điểm trông giữ trẻ tư nhân. Mục tiêu là trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăm sóc trẻ cũng như đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, không gian trông giữ trẻ.
Trong tương lai gần, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non sao cho “cung” đáp ứng đủ “cầu”. Công tác xã hội hoá giáo dục ở bậc học mầm non cần được chú trọng có chiều sâu. Với các khu, cụm công nghiệp, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng các điểm trông giữ trẻ theo đúng quy chuẩn quy định để công nhân yên tâm gửi con là vấn đề cần phải được tính đến một cách nghiêm túc. Bởi, đó cũng là biện pháp thiết thực để người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động.
Bùi Minh Tuấn
.