Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22151-vung-que-ngheo-hieu-hoc-395830/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22151-vung-que-ngheo-hieu-hoc-395830/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vùng quê nghèo hiếu học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/08/2012, 08:34 [GMT+7]
22151

Vùng quê nghèo hiếu học

Chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Hảo ở xóm 2, xã Nam Xuân, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Người duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt giải Ba môn Lịch sử kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2012. Nguyễn Thị Hảo (SN 1995) là con út trong gia đình có 4 người con. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã, bố em - ông Nguyễn Văn Hoàng là thương binh loại 2.
 
Thế nhưng, đây là gia đình có truyền thống hiếu học ở xã. Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn chật hẹp chất đầy bằng khen về thành tích học tập của Hảo, bố mẹ em vui mừng kể về sự vượt khó vươn lên trong học tập của cô con gái út. Trong các cấp học, Hảo đều đạt thành tích học tập tốt. Có được kết quả đó, ngoài việc khuyên răn dạy bảo của bố mẹ là cả một quá trình phấn đấu học tập không biết mệt mỏi của em.
 
Ông Hồ Viết Sâm - Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Nam Xuân phấn khởi cho biết: Ngoài em Nguyễn Thị Hảo, năm học 2011 - 2012, xã Nam Xuân có 3 em đang là học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Phan Bội Châu đạt giải Quốc gia các môn học gồm: Hồ Thị Ngọc Anh (SN 1995) ở xóm 6, xã Nam Xuân - Học sinh duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt giải Nhì Quốc gia môn Địa lý; Nguyễn Thị Quỳnh Anh (SN 1995), trú tại xóm 6, xã Nam Xuân, đạt giải Ba Quốc gia môn Địa lý; Nguyễn Thị Hóa (SN 1995) ở xóm 2, xã Nam Xuân, đạt giải Khuyến khích Quốc gia môn Lịch sử.
 
Em Nguyễn Thị Hảo ở xóm 2, xã Nam Xuân đạt giải Ba Quốc gia môn Lịch sử năm học 2011 - 2012
 
Đặc biệt là tấm gương vượt khó học giỏi của em Nguyễn Thị Ngọc (SN 1994) ở xóm 4, học sinh lớp 12C4 trường THPT Nam Đàn 1, vừa đạt thủ khoa trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội với 26,5 điểm. Trong nhiều năm qua, thành tích giáo dục của xã Nam Xuân luôn đứng vào tốp đầu với tỷ lệ học sinh lên lớp đông, có nhiều học sinh giỏi các cấp và đỗ các trường đại học, cao đẳng. Chỉ tính từ năm 2007 - 2012, toàn xã đã có gần 300 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
 
Có thể nói, truyền thống hiếu học của xã Nam Xuân đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhiều bậc hiền nhân đã trưởng thành từ vùng quê nghèo này. Hầu như thời nào, vùng đất Nam Xuân cũng đều sản sinh ra những bậc hiền tài.
 
Trong đó phải kể đến Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thúc Hào, Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ Nguyễn Thúc Tùng. Cũng tại “đất học” Nam Xuân, nhiều bậc nho sỹ nổi tiếng đã từng “dùi mài kinh sử” tại lớp học do thầy giáo Nguyễn Thúc Kiều (Bố của ông Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh) mở dạy.
 
Cho đến nay, truyền thống hiếu học ở vùng đất này đã và đang được các thế hệ con cháu kế tục, phát huy. Tại những thời điểm khó khăn, con em Nam Xuân vẫn đỗ đạt nhiều. Không ít gia đình không đủ điều kiện nuôi con ăn học.
 
Bởi vậy địa phương đã có chính sách hỗ trợ việc ăn học cho các em bằng cách kêu gọi con em Nam Xuân đỗ đạt ở trong và ngoài nước quyên góp tiền để ủng hộ sự học cho thế hệ sau, góp phần xây dựng sự nghiệp trồng người ở quê hương.
 
Ngoài ra, để khuyến khích các em học tập tốt, thời gian qua, công tác khuyến học của xã luôn được chú trọng, người dân tích cực ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học và tuyên truyền vận động xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của xã nhà, khơi dậy truyền thống hiếu học của bà con Nam Xuân.
 
Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng con em Nam Xuân thành đạt khá nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã có hơn 10 tiến sỹ, chưa kể đến thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân khác. Trong nhiều năm qua, giáo dục Nam Xuân có nhiều mặt đạt chất lượng tốt, hệ thống trường lớp, học sinh phát triển đồng đều, toàn diện, vững chắc ở các bậc học, cấp học.
 
Có được kết quả đáng ghi nhận này, bên cạnh truyền thống hiếu học còn có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, nhà trường và gia đình trong việc làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Tin rằng, truyền thống của "đất học" sẽ còn tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho những người con của Nam Xuân bay cao, bay xa, trở thành những nhân tài, đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Lê Hoa - Hằng Nga
.