Ông và tôi cùng nhạc sĩ Ánh Dương tác giả bài “Chào em cô gái Lam Hồng” nổi tiếng là bạn đi bộ ở Quảng trường Hồ Chí Minh vào buổi sáng dưới chân tượng đài Bác gần chục năm nay. Thế mà đến giờ chúng tôi mới biết ông Hợi đã từng có thời gian được phục vụ Bác. Vì ông Hợi vốn là người kín đáo, khiêm tốn, giản dị, không muốn nói về mình.
Vào buổi sáng cuối năm, tôi đến thăm ông và bất ngờ trước phong cách sống của ông. Đồ đạc đơn sơ nhưng sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, sinh hoạt giản dị đặc trưng lối sống của Bác. Ông trang trọng và xúc động đưa cho tôi xem những bức ảnh ông chụp chung với Bác và gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng với các chiến sĩ trong đội cảnh vệ và anh em phục vụ Bác năm 1962.
Bức ảnh chụp với đồng chí Vũ Kỳ tại Khách sạn Giao tế Nghệ An khi ông Vũ Kỳ về chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác. Tôi chú ý xem kỹ tấm bằng chứng nhận treo trang trọng trên tường với hàng chữ đậm nét. Viện bảo tàng Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đặng Ngọc Hợi. Vì có thành tích: “Tích cực, tận tuỵ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Bác từ năm 1959 - 1969”.
Ông Đặng Ngọc Hợi
Ông xúc động và tự hào tâm sự: Đây là những báu vật thiêng liêng gắn với những năm tháng được sống và phục vụ Bác, những tháng năm hạnh phúc mà suốt đời mình không bao giờ quên được. Ông bồi hồi kể lại: Mình nhập ngũ đầu năm 1953 khi vừa đến tuổi 18, là lính tổng động viên thời đánh Pháp. Được chọn đi học ở khu nhà lá tại thị xã Hà Đông khi chưa có C500 của Bộ Công an.
Phấn đấu có kết quả huấn luyện tốt mình lại được cử về C500 vài lần để tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Do có phẩm chất đạo đức tốt, nhanh nhẹn lại nắm chắc nghiệp vụ, vào đầu năm 1959, mình được tuyển chọn vào Phủ Chủ tịch làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Dù trong bất kì tình huống hoàn cảnh nào và bất kỳ ở đâu, dù gặp khó khăn nguy hiểm, ông đều sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ lãnh tụ. Đây là sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó cho một sỹ quan cận vệ. Mặt khác phải tôn trọng nguyên tắc bí mật sống để dạ chết mang đi những điều mình biết về nguyên tắc tổ chức và việc làm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ năm 1963 - Ảnh: Tư liệu
Nén những cảm xúc đang trào dâng, ông nói tiếp: Mấy năm bảo vệ Bác cũng may mắn mình chưa phải sử dụng đến vũ khí. Nhưng công việc bảo vệ Bác trước tình cảm mãnh liệt của quần chúng nhân dân mỗi khi Người về thăm, được gặp Bác thật khó khăn vô cùng.
Làm sao vừa hết sức cảnh giác đề phòng bất trắc xảy ra để bảo vệ Bác an toàn vừa để nhân dân được gặp Bác, nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện, không chen lấn, xô đẩy, vui vẻ, trật tự. Giọng kể của ông càng hưng phấn tự hào.
Bác quả là một con người huyền thoại. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói: "Ta bên Người, Người toả sáng trong ra". Những năm được sống và làm việc bên Bác quả là một hạnh phúc lớn của đời mình. Đạo đức, tác phong trong sáng, giản dị, khiêm tốn của Bác như thấm vào máu thịt của mình hết sức tự nhiên, sâu sắc như hít thở khí trời, cơm ăn, nước uống. Mỗi chuyện ông Hợi kể về Bác đều là một kỷ niệm đẹp, một bài học thật khó quên.
Cách mà Bác chỉ bảo thật ân cần, độc đáo, hóm hỉnh, nhớ lâu mà dễ thực hiện. Muốn truyền thụ một điều gì Bác thường tạo ra một tình huống cụ thể, khéo léo và tự mình là tấm gương sáng. Bác đã nói là không bao giờ nói suông cả.
Ông còn nhớ như in những ngày hè nóng bức của những năm 1960. Bác sống chan hoà với mọi người. Bác cũng tự xuống nhà ăn tập thể để ăn cơm. Bữa cơm của Bác thật đạm bạc chỉ có một đĩa rau muống luộc, mấy quả cà pháo, mấy miếng thịt hoặc vài miếng trứng, một bát nước rau muống vắt chanh. Lúc thiếu gạo dân ăn độn Bác cũng ăn độn. Thấy Bác tuổi cao ngồi ăn cơm lưng áo ướt mồ hôi chúng tôi bật quạt điện để Bác đỡ nóng.
Bác ngăn lại và nói rằng: Ta ngồi trong nhà cũng mát rồi, bà con nông dân đang còn làm việc quần quật ngoài đồng dưới trời nắng gắt... Lúc này rất cần tiết kiệm điện cho nông nghiệp, lúc nóng quá chúng ta dùng quạt tay cũng được.
Và trong phòng của Bác lúc nào cũng có chiếc quạt làm bằng lá cọ lúc nóng Bác dùng, khi hỏng thay cái khác, ít khi Bác dùng đến quạt điện. Ngay trong khu vực nhà sàn, đường đi, hồ cá chúng tôi xin Bác kè và làm bằng xi măng cho sạch. Bác không đồng ý. Bác nói rải sỏi đi cũng tốt rồi. Xi măng rất cần cho xây dựng công trình.
Đất nước còn nghèo, Bác vẫn ăn mặc giản dị, áo rách thì vá. Dép cao su đi mòn đắp đế, tất cũ dùng rách không thể dùng được mới bỏ thay đôi khác. Bác đã hết lòng vì dân, vì nước, đó chính là bài học lớn đối với mỗi chúng ta.
Bác còn dạy cho ông Hợi và mấy anh em trong đội cảnh vệ phải sống trung thực, điều gì không biết thì phải học hỏi. Chính vì thế ông đã tranh thủ những lúc được gần Bác như những lúc tăng gia, thể thao, xem phim nghe hát vào tối thứ 7 hỏi Bác và được Bác chỉ bảo tận tình những điều chưa biết.
Từ cuối năm 1969 đến năm 1973, ông về làm công tác củng cố tổ chức cho các Đảng bộ huyện trong tỉnh. Sau đó làm nhiệm vụ tập huấn cán bộ thành lập lực lượng cảnh sát cơ động của tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 3/1979, về Công an Nghệ Tĩnh làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn áp tải lương thực trên biển. Năm 1985, ông được nghỉ hưu.
Ông từng tham gia công tác địa phương, làm đại biểu hội đồng nhân dân phường Trường Thi hai khoá, làm khối trưởng, làm bí thư chi bộ, việc gì ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm việc có lý, có tình, được bà con tin yêu kính trọng. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và danh hiệu cao quý.
Giờ đây cứ mỗi sáng thức dậy lại gặp ông ở Quảng trường, đi dưới chân tượng đài Bác cùng bao người dân thành phố Vinh. Ông say sưa kể chuyện về Bác, về những kỷ niệm sâu sắc trong suốt quãng thời gian làm sỹ quan cảnh vệ bảo vệ Bác. Ông bảo, những gì đã được Bác chỉ bảo, được học tập từ Bác là sức mạnh, niềm tin để ông sống tốt đẹp hơn, làm gương cho con cháu noi theo.
Nguyễn Văn Tài
.