Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020; ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-23/8/2019.
Ảnh minh họa |
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ vể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1066/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.
Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 251.135 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108.368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 142.767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.
Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Mục tiêu khác là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 – 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.
Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Cụ thể: Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 – 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 – 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đáng kể; phát triển được một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh, gia tăng đáng kể đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng GDP; chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Kiểm tra phản ánh về kinh doanh giường dịch vụ tại bệnh viện công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra nội dung Báo Thanh niên phản ánh: Thực tế diễn ra ở nhiều bệnh viện công dẫn đến lo ngại phòng dịch vụ được "ưu ái" tăng cường trong khi giường phục vụ số đông người bệnh khó khăn thì bị thu hẹp. Nhiều bệnh viện tận dụng tối đa diện tích để làm giường dịch vụ với nhiều mức giá.
Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.
Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần:
- Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.
- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối gạo hỗ trợ cho học sinh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức quy định.