Tại cuộc họp giao ban thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 11/4, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh- Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, cơ quan cảnh sát PCCC đi chữa cháy và đi thực tâp phương án phòng chống cháy theo quy định Nhà nước đều không thu kinh phí. Hiện một số người dân không chịu báo cháy sớm lý do sợ 1 xe chữa cháy đến là mất bạc triệu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định xe chữa cháy không thu phí khi đến nhà dân dập lửa. |
“Có thể khẳng định là hoàn toàn không có chuyện thu phí. Xe chữa cháy chúng tôi có nhiệm vụ là lên đường. Tổ chức phương án phòng chống cháy đây là nghiệp vụ bắt buộc phải phối hợp, còn kinh phí phục vụ cho chính cơ sở và người dân ở đó”- Ông Tuấn Anh nói.
Trao đổi với báo chí về kiểm tra thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy của các cửa hàng kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Anh, cho biết, theo Thông tư 47 của Bộ Công quy định về phòng cháy chữa cháy đến ngày 4/12/2017 các cơ sở kinh doanh karaoke phải đảm bảo cải tạo, sửa chữa theo quy định nếu không đáp ứng sẽ phải dừng hoạt động,
Theo ông Tuấn Anh, năm 2016, tổng kiểm tra trên địa bàn thành phố 1.569 quán karaoke, tạm đình chỉ 126 cơ sở, tạm dừng hoạt động 531 cơ sở để sửa chữa, khắc phục tồn tại. Số còn lại 657 cơ sở tạm thời đáp ứng yêu cầu ban đầu theo tiêu chuẩn trước đây. “Đến trước 4/12/2017, chúng tôi sẽ tiếp tổng kiểm tra các cơ sở này một lần nữa nếu không đáp ứng theo đúng quy định mới về điều kiện kinh doanh karaoke sẽ bị dừng hoạt động. Nếu chấp hành thực hiện đúng Thông tư 47 thì độ an toàn rất cao bởi tiêu chí đặt ra cao hơn hẳn”.- Ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Tuấn Anh tồn tại của các quán kinh doanh karaoke hiện nay là một số cơ sở kinh doanh karaoke ở trong ngõ, giao thông tiếp cận PCCC khó khăn; Nguồn nước hạn chế; Nhiều quán karaoke chuyển đổi công năng từ nhà ở nên có ảnh hưởng đến đường thoát nạn, giải pháp phòng cháy; Các biển quảng cáo tấm lớn mặt trước quán karaoke hạn chế việc thoát nạn và khả năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chữa cháy.
Vụ cháy quán karaoke kinh hoàng trên phố Trần Thái Tông là bài học sâu sắc trong việc thực hiện phòng chống cháy. |
Liên quan đến nhóm công trình nhà cao tầng, hiện trên địa bàn, tính đến hết năm 2016, có 1.077 nhà cao tầng. Hầu hết giao thông xung quanh các tòa nhà cao tầng đều bị lấn chiếm, không được trồng cây cao thành hàng, đường dây điện... Tuy nhiên rất nhiều nơi bị lấn chiếm làm chỗ kinh doanh, đỗ xe ô tô... dẫn đến tổ chức cho xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều bất cập.
Theo ông Tuấn Anh, tại thời điểm nghiệm thu khoảng cách phòng cháy chữa cháy là rất tốt nhưng quá trình đưa vào hoạt động nhiều cơ sở lấn chiếm không đảm bảo khoảng cách phòng cháy chữa cháy giữa các công trình.
Phía trong các nhà cao tầng, một bộ phận người sử dụng ý thức chấp hành quy định phòng cháy chữa cháy chưa tốt lối, buồng thang thoát nạn trở thành kho hàng hóa... Cửa thoát nạn bị chặn. Chủ đầu tư ít lưu ý bảo trì hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy trong tòa nhà... ảnh hưởng đến thoát nạn khi có sự cố. “Một năm cảnh sát phòng cháy chữa cháy có 4 đợt kiểm tra phát hiện và phạt rất mạnh đối với sai phạm. Tuy nhiên, chuyển biến của chủ đầu tư và người dân còn chưa tốt".
Đối với các Trung tâm thương mại, chợ Trung tâm thương mại nguy cơ cháy vẫn rất nhiều tiểm ẩn. Từ năm 2017-2020 có khoảng hơn 300 chợ, trong đó 80 chợ xây mới, số còn lại được tạo lại sẽ làm giảm thiểu nguy cơ cháy.
Theo khảo sát của Sở cảnh sát PCCC hiện có 1.200 ngõ nhỏ xe chữa cháy không tiếp cận được do vướng đường dây điện.
Toàn TP Hà Nội có 2.688 trụ nước nhưng có tới 382 trụ nước qua kiểm tra không lấy được nước. Có 1.193 bể dự trữ nước qua kiểm tra có 87 bể không lấy được nước. Theo ông Tuấn Anh, mặc dù được TP đầu tư, bổ sung lắp đặt trụ nước cứu hoả, các chủ đầu tư khu đô thị, KCN cũng đầu tư xây lắp trụ nước cứu hoả, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu khoảng 4.000 trụ nước chữa cháy
Trao đổi về việc Hà Nôi đầu tư xây rất nhiều trụ nước cứu hoả nhưng vì sao có 382 trụ không lấy được nước, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Có 382 trụ không lấy được nước là do những trụ này nằm ở vị trí xa nhà máy nước, cuối nguồn bơm nước, đặc biệt vào mùa hè rất thiếu nước. Vì vậy, khi có cháy ở khu vực nào, chúng tôi thường gọi cho nhà máy nước khu vực đó tăng áp lực nước”.