Sáng 3/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Tờ trình cho biết, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là điều ước quốc tế về quyền con người, do đó căn cứ quy định tại khoản 14, Điều 70, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Công ước.
Liên quan vấn đề này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Báo cáo cho biết, ngày 7/11/2013, tại trụ sở chính của Liên Hợp quốc, đại sứ trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã thay mặt nước CHXHCN Việt Nam ký công ước chống tra tấn. Sự kiện này đã thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước Việt Nam trong ghi nhận và bảo đảm thực thi nhân quyền, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. Từ thời điểm ký Công ước đến nay, qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc công phu theo đúng trình tự thủ tục quy định, Chính phủ đề xuất phê chuẩn công ước.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày báo cáo tại Quốc hội sáng 23/10 |
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay có nhiều ý nghĩa cả về chính trị, ngoại giao và pháp lý. Sau những thành công trong thực hiện nhiệm vụ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 - 2018, thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và trên rất nhiều diễn đàn hợp tác đa phương, khu vực và song phương khác, uy tín, vị thế chính trị của Nhà nước CHXNCN Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao và ngày càng củng cố. Nhiều nước đã thấy rõ vai trò, vị trí và ảnh hưởng của Việt Nam đối với quốc tế trong khu vực ASEAN và với các khu vực khác nên đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Về mặt pháp lý, việc phê chuẩn công ước này sẽ là sự kiện pháp lý hết sức quan trọng đối với hoạt động bảo vệ nhân quyền và thực hiện chính sách nhân đạo, nhân quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thực thi Hiến pháp 2013. Cụ thể là thực thi Điều 20: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Điều 30 quy định, người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng, việc phê chuẩn công ước tại thời điểm hiện nay là phù hợp với lộ trình tại đề án đã được phê duyệt. Theo đó Việt Nam dự kiến quá trình nghiên cứu đề xuất phê chuẩn công ước trong thời hạn ít nhất 1 năm kể từ thời điểm ký công ước. Tính đến nay đã có 155 quốc gia thành viên, trong đó có 5 thành viên các nước ASEAN, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Như vậy chỉ còn 39 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc chưa phải là thành viên chính thức của công ước này.
Báo cáo cũng nêu rõ những nội dung cơ bản của công ước và yêu cầu đặt ra với các quốc gia thành viên. Khi trở thành thành viên, Việt Nam sẽ được hưởng những quyền và lợi ích cơ bản.
Việc phê chuẩn Công ước sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới, làm tăng uy tín chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, đổng thời hạn chế các luận điệu vu khống, xuyên tác và hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm chống phá nhà nước ta.
Về kinh tế - xã hội, với rất đông các nước thành viên, trong đó có nhiều nước là đối tác của Việt Nam, việc phê chuẩn sẽ có tác động tích cực đến quan hệ thương mại đa phương và song phương của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội đề Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước.
.