Ảnh minh họa |
Bộ yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động theo mục đích, yêu cầu, kế hoạch đã phân công trong Chương trình khung một cách có hệ thống, bài bản, gắn kết tạo hiệu quả cao, tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc, cùng nhau tiến bộ trong mọi mặt, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, sáng tạo văn học nghệ thuật.
Đồng thời, bình chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách văn hoá dân tộc ở địa phương.
Bộ cũng lưu ý việc xây dựng chương trình hoạt động và tổ chức “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” cần chú ý đến vấn đề nhân văn và văn hoá truyền thống của các dân tộc, phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào; Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, kinh tế, thể dục thể thao thiết thực, hiệu quả, gắn với điều kiện thực tế của địa phương, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia và hưởng thụ.
Bên cạnh đó, tổ chức các lễ hội tôn vinh, khích lệ, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách văn hoá dân tộc có quy mô ở địa phương.
Tại Quyết định 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam". Việc tổ chức các hoạt động “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giúp các dân tộc hiểu về nhau hơn, gần gũi và quý trọng nhau hơn, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong cả nước và từng vùng, từng địa phương, nâng cao ý thức tôn trọng, tương trợ giúp nhau về mọi mặt, nhằm khơi dậy trong lòng đồng bào các dân tộc ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của dân tộc mình trong ngày tôn vinh văn hoá các dân tộc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh và nền văn hoá của các dân tộc với các nước và bạn bè quốc tế. |