(Congan.nghean.gov.vn)-Sáng 13/3/2024, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và chuyển đổi số trong Công an nhân dân (CAND).
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Công an Nghệ An, đồng chí Thiếu tướng Bùi Quang Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo |
Dưới sự sự Lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số đã đi vào những nội dung cụ thể để phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của lực lượng Công an nhân dân, bước đầu đạt những kết quả tích cực. Nổi bật là, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 luật; trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 10 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an (ban hành mới 14 thủ tục; sửa đổi, bổ sung, thay thế 68 thủ tục; bãi bỏ 10 thủ tục, 100% thủ tục đều được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an; 05 quyết định ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử thực hiện thủ tục hành chính).
Tại điểm cầu Công an tỉnh Nghệ An |
Về hoàn thiện hạ tầng, mạng truyền dẫn cáp quang dùng riêng ngành Công an từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại gồm 03 trung tâm vùng Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh với trên 12.477 kênh truyền dẫn quang phục vụ kết nối mạng máy tính từ các đơn vị trực thuộc Bộ đến Công an địa phương xuyên suốt 04 cấp Công an.
Đối với nhiệm vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, nhằm đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện công tác làm sạch dữ liệu và triển khai Đề án 06 của 63 địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN); 03 doanh nghiệp viễn thông; 63 địa phương.
Về nhóm tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công theo Quyết định 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (vượt tiến độ Chính phủ giao hoàn thành trong năm 2025).
Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022). Trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực thủ tục hành chính đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50%. Riêng 02 dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chi khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.
Đồng chí Thiếu tướng Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì tại điểm cầu Công an Nghệ An |
Về nhiệm vụ phát triển công dân số, phát triển kinh tế, xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc. 100% công dân được cấp số định danh cá nhân. Đã thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, trên 30 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử... Việc triển khai kịp thời cấp căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh điện tử giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, không phải mang nhiều loại giấy tờ; sử dụng thông tin chip, Qrcode trên căn cước công dân kịp thời phục vụ vấn đề sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022.
Tại Nghệ An, trong thời gian qua bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp tục phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực và là lực lượng đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nổi bật như: Trong hơn 02 năm tiển khai thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã triển khai 31/38 mô hình, bước đầu đã có một số kết quả tốt, điển hình như: mô hình đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC). Công an Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức đào tạo giáo dục trực tuyến đại chúng mở trong lực lượng Công an; mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá làm rõ tiến độ thực hiện nhiệm vụ công tác. Qua đó, giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ trong thực hiện Đề án 06 của các Sở, ngành, địa phương. Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp, giải pháp, luôn là lực lượng tiên phong đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Đồng thời, đã phối hợp, hỗ trợ các ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, tạo được niềm tin từ các cấp, các ngành đối với lực lượng Công an.
Đồng chí Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng Lãnh đạo các phòng chức năng dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận đi sâu làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 và chuyển đổi số trong Công an nhân dân trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong CAND của các Cục nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định, lực lượng CAND đã và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong, giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng xã hội số, công dân số.
Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 theo lộ trình, kế hoạch của Bộ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo; các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, sớm tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh tiến độ Đề án 06 và chuyển đổi số trong Công an nhân dân. Cấp uỷ, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, thành phố và cấp xã phải nhận thức sâu sắc Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là quá trình thay đổi tổng thể mọi phương thức, hoạt động của con người dựa trên các công nghệ số. Hoạt động của lực lượng CAND không ngoài xu thế này, trước tiên phải chuyển tư duy, hành động từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, tập trung giải quyết từng vấn đề “cốt lõi” để thúc đẩy Đề án 06, Chuyển đổi số trong CAND, cụ thể, Giám đốc Công an các địa phương thực hiện rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật còn tồn đọng…