Quốc tế
WHO cảnh báo kim loại độc hại chì đe dọa sức khỏe trẻ em
Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì diễn ra từ ngày 20 – 26/10 là cơ hội để thúc đẩy lệnh cấm sơn chì đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và môi trường.
Phòng chống tác hại của chì đối với sức khỏe trẻ em là việc làm cần thiết và cấp bách. (Ảnh: UN) |
Nhiễm độc chì có thể phòng ngừa được, tuy nhiên nó vẫn là nguyên nhân dẫn tới hơn một triệu ca tử vong trong năm 2017. Các khu vực đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tiếp xúc với chì có những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với sức khỏe của trẻ em. Nhiễm độc chì ở trẻ em và trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong suốt cuộc đời như gây ra những khuyết tật trong học tập, thiếu máu, rối loạn phối hợp thị giác và không gian và rối loạn ngôn ngữ. Ngộ độc chì cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với người lớn trong những ngành như sơn hay nghề phá dỡ nhà.
Sơn chứa hàm lượng chì cao là nguồn gốc gây ngộ độc nguy hiểm trong nhà, đặc biệt là ở trẻ em. Chúng vẫn còn phổ biến và nhiều quốc gia tiếp tục sử dụng chúng mặc dù có những lựa chọn thay thế tốt hơn.
Liên minh toàn cầu về loại bỏ sơn chì đã được thành lập vào năm 2011 để thúc đẩy loại bỏ việc sản xuất và tiếp thị các loại sơn có chứa chì nhằm mục đích loại bỏ các rủi ro liên quan đến các loại sơn này. Để đạt được mục tiêu này, điều cần thiết là phải đưa ra các khung pháp lý quốc gia phù hợp nhằm ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, bán và sử dụng sơn chì và các sản phẩm tráng phủ chúng.
Liên minh toàn cầu đặt mục tiêu cho tất cả các quốc gia sẽ có, vào năm 2020, một khung pháp lý để loại bỏ việc sử dụng sơn chì. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ngày 31/7/2019, 72 quốc gia đã khẳng định việc áp dụng các biện pháp ràng buộc pháp lý để quản lý việc sử dụng sơn chì.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia xây dựng luật vào năm 2020" – bà Maria Neira, Giám đốc Cơ quan Y tế Cộng đồng, các yếu tố quyết định về sức khỏe và xã hội của WHO cho biết.
Loại bỏ sơn chì sẽ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và bệnh tật từ các hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nước và đất; Đến năm 2020, thiết lập quản lý hóa chất và tất cả các chất thải hợp lý với môi trường trong suốt vòng đời của chúng, theo các nguyên tắc hướng dẫn đã được quốc tế đồng ý và giảm đáng kể việc thải ra không khí, nước và đất, để giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng đối với sức khỏe và môi trường.
Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là một chiến dịch thông tin được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về vấn đề ngộ độc chì; nêu bật những nỗ lực của các quốc gia và đối tác để ngăn ngừa ngộ độc chì ở trẻ em; đồng thời kêu gọi các biện pháp mới được thực hiện để loại bỏ sơn chì./.
Nguồn: Khánh Linh/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam