Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại gia tăng rủi ro do leo thang cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 9/6, các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bước vào ngày đàm phán thứ hai tại thành phố Fukuoka, miền Tây Nhật Bản.
Đàm phán tập trung vào việc liệu các đại biểu tham dự hội nghị có thể chấp nhận lập trường chung về việc kêu gọi nới lỏng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không. Trong ngày đàm phán đầu tiên vào ngày 8/6, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng hiện tại cũng như triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại gia tăng rủi ro do leo thang cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ có cuộc gặp với Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương tại hội nghị G20. Ảnh: New York Times. |
Với tư cách là nước chủ trì hội nghị, Nhật Bản nhấn mạnh, vấn đề thương mại và sự mất cân bằng cần sớm được giải quyết thông qua các khuôn khổ đa phương. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa khẳng định trước báo giới rằng, niềm tin vào thị trường có thể bị hủy hoại trừ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung được giải quyết. Tuy nhiên phía Mỹ hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại song phương bằng cách sử dụng đòn tăng thuế như một công cụ để đàm phán.
Các Bộ trưởng Tài chính của G20 đang lên kế hoạch thảo luận về các quy tắc thuế mới đối với các “gã khổng lồ công nghệ” trên toàn cầu vốn tạo ra lợi nhuận khổng lồ thông qua hoạt động chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Các đại biểu cũng dự kiến sẽ nhất trí đưa ra các biện pháp thực chất trong năm tới./.