Số nạn nhân thiệt mạng do động đất, sóng thần tại Indonesia lên tới gần 2.000 người, Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh nỗ lực bảo vệ phụ nữ, Mỹ công bố chiến lược mới chống khủng bố, Nga - Ấn Độ ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống S-400... là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Indonesia: Số nạn nhân thiệt mạng do động đất, sóng thần lên tới gần 2.000 người
Theo số liệu mới nhất do giới chức Indonesia công bố chiều tối ngày 7/10, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 28/9 tại tỉnh Trung Sulawesi của nước này đã lên tới gần 2.000 người. Con số này cao hơn nhiều lần so với ước tính ban đầu và liên tục tăng lên sau những nỗ lực tìm kiếm của lực lượng cứu hộ. Thi thể của 1.944 nạn nhân đã được tìm thấy, trong khi 2.549 người đang được điều trị tại các bệnh viện. Thảm họa kép cũng đã làm gần 67.000 ngôi nhà bị hư hại, hơn 62.000 người phải đi lánh nạn.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau động đất và sóng thần ở Indonesia. (Ảnh: Reuters) |
Có thông tin cho rằng còn khoảng 5.000 người chưa được tìm thấy tại Balaro và Petobo là hai ngôi làng đã bị xóa sổ sau thảm họa, song nhà chức trách chưa thể xác nhận con số này. Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNBP) cho rằng khó nắm bắt chính xác số người chưa rõ tung tích bởi hầu hết các khu vực chịu thiệt hại đều bị vùi lấp bởi bùn đất và các đống đổ nát.
Hiện các lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. BNBP cho biết sẽ chấm dứt hoạt động tìm kiếm quy mô lớn vào ngày 11/10 và những nạn nhân mà thi thể chưa được tìm thấy sẽ được tuyên bố mất tích, tuy nhiên, các cuộc tìm kiếm quy mô nhỏ có thể vẫn được tiến hành.
Thiệt hại nặng nề bởi trận động đất và sóng thần này đã khiến giới chuyên gia và các nhà chức trách bàng hoàng, đồng thời cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Indonesia phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc dự báo không chính xác.
Sau khi xảy ra động đất và sóng thần, công tác cứu trợ đã được nỗ lực triển khai, song tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm đã khiến nhiều người xông vào các cửa hàng cướp bóc. Tính đến ngày 7/10, ngoài viện trợ hàng hóa, một số nước đã cam kết gửi tiền để hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số tiền tương đương 16,3 triệu USD, trong đó Chính phủ Việt Nam đã quyết định viện trợ khẩn cấp 100.000 USD.
Hai miền Triều Tiên tổ chức sự kiện chung kỷ niệm cuộc gặp thượng đỉnh năm 2007
Ngày 5/10, tại Cung Văn hóa nhân dân ở thủ đô Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức sự kiện chung lần đầu tiên nhằm kỷ niệm 11 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai ngày 4/10/2007, với sự tham gia của khoảng 160 người Hàn Quốc, gồm các quan chức chính phủ, các chính khách, các đại diện dân sự, tôn giáo và văn hóa. Phái đoàn của Hàn Quốc do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon và Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) cầm quyền Lee Hae-chan dẫn đầu.
Các đại biểu tham dự sự kiện diễn ra tại Bình Nhưỡng ngày 5/10/2018, để kỷ niệm 11 năm ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai (Ảnh: Yonhap) |
Hoạt động kỷ niệm sự kiện này là một phần trong thỏa thuận vừa đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 5 vào tháng 9 vừa qua, giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Các đại diện của hai bên tham gia lễ kỷ niệm đã kêu gọi thực thi đầy đủ các thỏa thuận thượng đỉnh mới đây của các lãnh đạo hai miền.
Cách đây 11 năm, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã gặp nhau và ký kết Tuyên bố 4/10, trong đó cam kết hợp tác nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều. Rất tiếc là thỏa thuận đã không được thực thi trong bối cảnh căng thẳng an ninh giữa hai miền và sự thay đổi chính quyền tại Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian gần đây đã có những chuyển động mang tính đột phá. Ngày 1/10, quân đội hai miền Triều Tiên đã bắt đầu tháo gỡ bom mìn khỏi khu vực phi quân sự (DMZ) trong một phần nỗ lực nhằm triển khai thỏa thuận mới đạt được về hạ nhiệt căng thẳng và ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ giữa hai miền. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, thông qua việc xem công tác tháo gỡ bom mìn là một điểm khởi đầu, các quan chức quân sự của hai miền Triều Tiên sẽ theo đuổi nỗ lực chung nhằm bảo đảm rằng thỏa thuận quân sự sẽ được thực hiện một cách bình thường và có hệ thống.
Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh nỗ lực bảo vệ phụ nữ
Ngày 5/10, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố hai chủ nhân của Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018. Giải thưởng này thuộc về một bác sỹ người Congo (63 tuổi) và cô gái người Yazidi (25 tuổi) vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như là một vũ khí của xung đột và chiến tranh.
Hai chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2018. (Ảnh: Reuters) |
Denis Mukwege là một bác sỹ phụ khoa đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông đã thành lập một bệnh viện ở miền Đông Congo vào năm 1999, nhằm giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân của bạo lực tình dục. Ông và các nhân viên của mình đã chăm sóc cho hơn 40.000 người bị tấn công tình dục, cung cấp điều trị tâm lý và hỗ trợ nghề nghiệp cho họ. Ông đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ phụ nữ, cổ vũ cho vấn đề bình đẳng giới và chấm dứt nạn hiếp dâm trong chiến tranh.
Người thứ hai là cô Nadia Murad, một nạn nhân của bạo lực tình dục. Khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tràn vào lãnh thổ miền Bắc Iraq năm 2014, cô Murad đã bị bắt cóc cùng với hàng nghìn phụ nữ và bé gái khác cũng đến từ cộng đồng người Yazidi. Cô đã bị các thành viên IS hiếp dâm nhiều lần trước khi trốn thoát thành công. Nhưng không giống như đại đa số những người sống sót khác, đau khổ và im lặng sau những gì phải trải qua, Murad đã can đảm xuất hiện trước báo chí để kể về câu chuyện của mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác.
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, hai chủ nhân của giải thưởng danh giá đã trải qua nhiều rủi ro đối với chính cuộc sống của họ để giúp đỡ những người sống sót và mang câu chuyện của họ đến với thế giới.
Nobel Hòa bình là giải Nobel thứ tư được trao trong năm nay sau các giải Nobel về Y học, Vật lý và Hóa học. Năm 2017, Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) vì những nỗ lực nhằm đạt được hiệp ước cấm loại vũ khí này.
Mỹ công bố chiến lược mới chống khủng bố
Ngày 4/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Tổng thống Donald Trump vừa phê chuẩn một chiến lược chống khủng bố mới với phạm vi rộng hơn trước, song vẫn giữ quan điểm coi các lực lượng khủng bố Hồi giáo là mối đe dọa hàng đầu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: AP) |
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Bolton nêu rõ, các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa xuyên biên giới hàng đầu đối với Mỹ cũng như các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Quan chức an ninh này đánh giá bản chiến lược mới của Mỹ đã lần đầu tiên đề cập tới những biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ nhằm chống lại các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố kể từ năm 2011. Đây cũng là thời điểm mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hầu như chỉ tập trung vào mối đe dọa từ al-Qaeda sau khi thủ lĩnh của tổ chức này là Osama bin Laden bị tiêu diệt.
Cụ thể, bản chiến lược chống khủng bố mới do Nhà Trắng vừa công bố đã đưa ra 6 phương thức tiếp cận gồm: Truy đuổi tới tận ngọn nguồn của chủ nghĩa khủng bố; cô lập khủng bố khỏi các nguồn hỗ trợ; hiện đại hóa và hợp nhất các phương tiện chống khủng bố của Mỹ; bảo vệ và tăng cường các cơ sở hạ tầng của Mỹ; đối phó với các hành vi tuyển dụng và biểu hiện quá khích của chủ nghĩa khủng bố; tăng cường năng lực chống chủ nghĩa khủng bố của các đối tác quốc tế.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, chiến lược chống khủng bố của Tổng thống D.Trump đã đề cao tầm quan trọng của những nỗ lực ngoại giao cũng như vai trò của các đối tác quốc tế. Chiến lược cũng nêu bật tính cần thiết của việc san sẻ bình đẳng trách nhiệm giữa các nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời mở rộng năng lực chống chủ nghĩa khủng bố của các nước đối tác của Mỹ, dựa trên tinh thần phối hợp tập thể để đánh bại mối đe dọa này vào thời điểm hiện tại và tương lai.
Nga - Ấn Độ ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống S-400
Ngày 5/10, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 5 hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 trị giá 5,43 tỷ USD của Nga. Thỏa thuận này được ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh thường niên Nga - Ấn lần thứ 19 ở New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ từ ngày 4 - 5/10.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: Sputnik) |
Việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 100 tỷ USD của Ấn Độ. Dự kiến, việc chuyển giao S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10/2020.
Giới quan sát cảnh báo, việc Nga và Ấn Độ triển khai bản thỏa thuận mua bán các hệ thống phòng không S-400 sẽ có nguy cơ vấp phải phản ứng từ một đối tác quốc phòng của Ấn Độ là Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đã từng cảnh báo New Delhi “tránh xa” công nghệ quân sự của Moscow.
Tháng 8/2018, một quan chức cấp cao của Lầu Năm góc đã cảnh báo về kịch bản Ấn Độ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ nếu còn tiếp tục thực hiện thương vụ mua S-400 của Nga. Theo “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017, Washington có thể đưa ra các lệnh cấm vận nhằm vào một nước thứ 3 tham gia vào các giao dịch trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo với Nga.
Iran tuyên bố tiêu diệt 40 thủ lĩnh IS
Cuộc tấn công bằng tên lửa do Iran thực hiện nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại khu vực gần thị trấn Abu Kamal thuộc khu vực biên giới phía Đông của Syria tiếp giáp với Iraq vào hôm 1/10 vừa qua đã tiêu diệt được 40 tên thủ lĩnh của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là số liệu thống kê do Chỉ huy đơn vị hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Tướng Amir Ali Hajizadeh đưa ra và được truyền thông Iran đăng tải ngày 2/10.
IRGC công bố hình ảnh về vụ tấn công được thực hiện vào rạng sáng 1/10. (Ảnh cắt từ bản tin của PressTV) |
Trước đó, rạng sáng 1/10, các lực lượng IRGC đã sử dụng 6 tên lửa đạn đạo đất đối đất và 7 máy bay không người lái tấn công các nhóm phiến quân tại khu vực phía Đông sông Euphrates của Syria vốn bị cáo buộc thực hiện khủng bố ở thành phố Ahvaz, miền Tây Nam Iran hôm 22/9 khiến hơn 65 người thương vong.
Được biết, các tên lửa mà Iran sử dụng trong vụ không kích này thuộc lớp Zolfaqar và Qiam, có tầm bắn lần lượt là 750 km và 800 km với độ chính xác cao. Các quả tên lửa của Iran đã bay qua không phận Iraq và nhắm vào khu vực phía Đông sông Euphrates của Syria.
Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Baqeri khẳng định, việc IRGC tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria ngày 1/10 chỉ là “màn dạo đầu” của chiến dịch trả đũa nhằm vào các đối tượng tài trợ và dàn dựng nên vụ khủng bố gần đây tại cuộc diễu binh ở thành phố Ahvaz./.