Quốc tế

Triều Tiên phóng tên lửa, lãnh đạo Mỹ - Nhật bàn cách ứng phó

16:46, 06/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong cuộc điện đàm ngày 6/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên là "một hành động khiêu khích nguy hiểm và một mối đe dọa nghiêm trọng", đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm kéo dài 35 phút, Thủ tướng Abe cho biết tại cuộc điện đàm Tổng thống Trump nhấn mạnh Washington đang cân nhắc mọi giải pháp để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ông cam kết Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường khả năng đối phó với Triều Tiên.

Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Thủ tướng Nhật Bản đánh giá cao việc Mỹ đang cân nhắc mọi giải pháp, song không cho biết cụ thể về giải pháp quân sự mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xem xét.

Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết Mỹ ủng hộ đồng minh Nhật Bản 100%.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản Triều Tiên theo đuổi các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nêu rõ việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên là chưa đủ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cũng cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đã thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên, cũng như các vấn đề khu vực khác.

Tuyên bố khẳng định Tổng thống Trump cam kết Mỹ sẽ tiếp tục củng cố năng lực quốc phòng ở mức tối đa nhằm bảo vệ nước này và các đồng minh trước một cuộc tấn công của Triều Tiên.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ, lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên.

Các đặc phái viên nhất trí hợp tác nhằm đưa ra các biện pháp đối phó vụ phóng thử này trong đó bao gồm hành động của mỗi nước cũng như thông qua Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi "chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm chống lại các hành động khiêu khích tiếp theo của Bình Nhưỡng".

Trước đó, sáng 5/4, Bình Nhưỡng đã bắn thử một tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, một ngày trước cuộc gặp thượng định giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng có thể là loại tên lửa tầm trung Scud-Er - phiên bản cải tiến từ tên lửa tầm ngắn Scud có tầm bắn 500-700 km. Vụ phóng này đã thất bại khi tên lửa chỉ bay được khoảng 60km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii cho rằng tên lửa mà Triều Tiên phóng là tên lửa tầm trung KN-15. Loại tên lửa Scud sử dụng nhiên liệu lỏng, trong khi KN-15 sử dụng nhiên liệu rắn, đồng nghĩa với việc chúng sẽ dễ di chuyển hơn và không cần chuẩn bị nhiều trước khi phóng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây có thể là lần thứ hai Bình Nhưỡng tiến hành thử một công nghệ mới.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đặt trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phóng tên lửa trong 30 ngày tới.

Một dự án phân tích về Triều Tiên của CSIS, có tên "Beyond Parallel", thực hiện cùng hãng Predata đã đưa ra dự báo trên sau khi phân tích tần suất thảo luận về Triều Tiên trên Internet nhằm dự báo các khả năng trong tương lai, theo đó, một tần suất thảo luận cao hơn đồng nghĩa với "các tín hiệu" mạnh hơn. Theo báo cáo trên, 55% khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử tên lửa trong 14 ngày tới, và trong 30 ngày tới là 78%.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác