Tin tức sự kiện
Lãnh đạo Châu Âu phản ứng về 'cuộc chia tay lịch sử'
15:51, 01/04/2017 (GMT+7)
Nước Anh đã bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) vào chiều 29/3, khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit.
Cùng lúc đó, tại Brussels (Bỉ), Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow đã trao tận tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May thông báo quyết định rời EU.
Đây là 2 sự kiện đánh dấu giây phút chính thức bắt đầu "cuộc chia tay" lịch sử giữa Anh và EU.
Chiều 29/3, Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow trao lá thư của Thủ tướng Theresa May thông báo quyết định Anh rời EU cho Chủ tịch EC Donal Tusk |
Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà Theresa May nói đây là “thời khắc lịch sử không thể đảo ngược" và đây là "cơ hội độc nhất" để "hình thành tương lai tươi sáng hơn" cho nước Anh.
Trong phản ứng tức thời, lãnh đạo 27 nước còn lại trong EU đã cam kết hành động là một khối thống nhất trong các cuộc đàm phán với Anh về Brexit.
Tuyên bố nói EU lấy làm tiếc khi Anh rời khỏi Liên minh nhưng họ đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán về Brexit.
Tuyên bố nêu rõ bước đi đầu tiên của EU sẽ là Hội đồng châu Âu thông qua các khuyến nghị về lập trường và các nguyên tắc để Ủy ban châu Âu đại diện cho EU tiến hành đàm phán với Anh. EU sẽ có lập trường xây dựng và nỗ lực đạt được thỏa thuận, đồng thời hy vọng Anh sẽ là một đối tác thân thiết.
Trong đàm phán, các nước EU sẽ hành động như một khối thống nhất để bảo vệ lợi ích đồng thời ưu tiên đầu tiên sẽ là giảm thiểu bất ổn đối với các nước EU, công dân và doanh nghiệp trong khối.
Nhà đàm phán chính của EU về Brexit đã được bổ nhiệm là cựu Ủy viên Ủy ban châu Âu Michael Berne.
Trong diễn biến liên quan ngày 29/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Brexit sẽ gây "tổn thương kinh tế" cho nước Anh. Ông Hollande cho rằng "động thái này sẽ đẩy châu Âu tiến lên phía trước với nhiều tốc độ khác nhau".
Trong khi đó, Chính phủ Ireland cho biết các cuộc đàm phán Brexit sắp tới sẽ rất thách thức, tuy nhiên Ireland đã chuẩn bị tốt cho những khó khăn phía trước. Các cơ quan, doanh nghiệp của Ireland sẽ tiếp tục làm việc với các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư tiềm năng để giải quyết các vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định EU là một câu chuyện thành công mang tính lịch sử về một khối thống nhất và EU vẫn sẽ tồn tại sau Brexit; quá trình đàm phán về Brexit sẽ diễn ra một cách "công bằng và xây dựng". Thủ tướng Đức hy vọng Anh và EU vẫn duy trì là các đối tác thân thiết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức đã bác bỏ lời kêu gọi tiến hành đàm phán về Brexit giữa Anh với EU song song với các cuộc đàm phán xác định quan hệ tương lai giữa hai bên của Thủ tướng Anh Theresa May. Bà Merkel cho rằng chỉ khi nào giải quyết xong việc Brexit thì mới có thể bàn về tương lai của mối quan hệ giữa hai bên. Theo bà Merkel, việc bảo đảm tương lai cho các công dân EU đang sống ở Anh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình đàm phán.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cũng nhấn mạnh Đức và EU sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện với Anh trong tương lai.
Nguồn: Thanh Xuân/Chinhphu.vn