Tin tức sự kiện
Mỹ, Nga, Trung, Nhật... 'nói không' với đàm phán cấm vũ khí hạt nhân
08:59, 29/03/2017 (GMT+7)
Khoảng 40 nước đã quyết định từ chối tham gia vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên Hợp Quốc, trong đó có 5 cường quốc về hạt nhân gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Theo TTXVN, ngày 27/3, hơn 100 quốc gia đã khởi động vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) mà không có sự tham gia của một loạt quốc gia. Vòng đàm phán này là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc.
Tuy nhiên, ngay trước thềm sự kiện, khoảng 40 nước đã quyết định từ chối tham gia sự kiện này, trong đó có 5 cường quốc về hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Phát biểu trước 20 đồng minh của Mỹ cũng tẩy chay vòng đàm phán ngay trước thềm diễn ra sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bác bỏ đề xuất về một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu sau khi cân nhắc đến các mối đe dọa an ninh trên thế giới hiện nay. Bà bày tỏ hoài nghi về khả năng Triều Tiên sẽ nhất trí với một lệnh cấm vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, dù khẳng định cam kết của London với mục tiêu lâu dài về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, song Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft cũng quan ngại về hiệu quả của cuộc đàm phán trong nỗ lực giải trừ hạt nhân toàn cầu.
Ông cho rằng cách tốt nhất để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là từng bước đàm phán để các nước sẵn sàng tuân thủ.
Ngay cả Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945 cũng "quay lưng" với cuộc đàm phán, cho rằng sự thiếu đồng thuận trong đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Nobushige Takamizawa cũng cho rằng những nỗ lực nhằm đưa ra một hiệp ước mà không có sự tham gia của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ chỉ có thể khiến sự phân hóa và chia rẽ thêm sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.
Dự kiến vòng đàm phán hạt nhân lần này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/3 và vòng đàm phán tiếp theo được ấn định trong khoảng thời gian 15/6 đến ngày 7/7 tới tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ.
Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán với sự nhất trí của 113 quốc gia với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển.
Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng việc thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nguồn: Chinhphu.vn