Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201608/nha-trang-dang-di-tren-day-voi-tho-nhi-ky-692987/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201608/nha-trang-dang-di-tren-day-voi-tho-nhi-ky-692987/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhà Trắng đang 'đi trên dây' với Thổ Nhĩ Kỳ - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Tư, 10/08/2016, 09:27 [GMT+7]

Nhà Trắng đang 'đi trên dây' với Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau vụ đảo chính quân sự bất thành. Mỹ đang dùng những nỗ lực ngoại giao để cải thiện tình hình này.

Chính quyền Obama đang áp dụng nghệ thuật ngoại giao "đi trên dây” với Thổ Nhĩ Kỳ khi một mặt lên tiếng ủng hộ công khai đối với một nước liên minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mặt khác lặng lẽ cảnh báo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nên chấm dứt buộc tội Mỹ đã cổ vũ cuộc đảo chính quân sự bất thành tại nước này vào tháng trước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng, Nhà Trắng vào ngày 16/5/2013.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng, Nhà Trắng vào ngày 16/5/2013.

Tư tưởng chống Mỹ gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Obama, Ngoại trưởng John Kerry và các chức cấp cao khác của Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng sự xúi giục quần chúng chống Mỹ khiến các công dân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình thế nguy hiểm và đây là điều không thể chấp nhận.

Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ khác kiên quyết phủ nhận về việc Mỹ có bất kỳ vai trò nào trong cuộc nổi dậy quân sự vào ngày 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối lo ngại này xuất phát từ kết quả cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy gần 70% người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Mỹ có liên quan đến cuộc đảo chính này. Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân NATO, đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng này để trấn an các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Nhà Trắng đang cân nhắc bố trí một cuộc chuyến thăm cấp cao hơn đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể do Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nỗ lực duy trì quan hệ hữu hảo với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, dẫn đầu nhằm cải thiện tình hình quan hệ hai nước.

Vì lo ngại về tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã huỷ cấp kinh phí nghiên cứu cho công dân Mỹ tại nước này và khuyến cáo các cán bộ ngoai giao Mỹ nên đưa gia đình và người thân rời Thổ Nhĩ Kỳ nếu có dấu hiệu bất an về an ninh.

Ngoài thách thức trước mắt về việc ngăn chặn quan hệ Mỹ- Thổ có nguy cơ trở nên xấu đi, các quan chức chính quyền Mỹ còn lo ngại về tình hình an ninh lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng nối lại quan hệ với Nga và mối quan hệ mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.

An ninh đang là mối lo ngại hàng đầu. Ngay sau cuộc đảo chính thất bại, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh bắt giữ hàng ngàn công chức và các nhân viên an ninh khác. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng quá trình "thanh lọc” này sẽ ảnh hưởng đến năng lực của các cơ quan an ninh và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm khi Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những mối đe doạ khủng bố lớn từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác.

Một số trong các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ là những đối tác mật thiết trong các chiến dịch của Mỹ chống IS ở Syria vì thế trong tương lai có thể xảy ra sự thiếu hụt trong quan hệ quân sự giữa hai bên. Song các quan chức Mỹ được khích lệ bởi các cuộc không kích của quân liên minh từ căn cứ không quân Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào cứ điểm IS đang được nối lại.

Lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Mối lo ngại lâu dài thứ hai của chính quyền Obama là quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Hai quốc gia này đã trở nên thù hận sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay của Nga vào mùa thu năm ngoái, song ông Erdogan đã chủ động hàn gắn mối quan hệ sứt mẻ này vào mùa hè năm nay, một vài tuần trước khi diễn ra đảo chính.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có cuộc gặp mặt tại Peterburg vào ngày 9/8. Dĩ nhiên, các quan chức Mỹ sẽ theo dõi sát sao cuộc gặp mặt này để thu nhận những "tín hiệu" về những gì ở phía trước. Quan điểm của chính quyền Mỹ là các cuộc tiếp xúc như vậy là bình thường và tốt cho cả hai nước. Song vì Thổ Nhĩ Kỳ là một nước liên minh NATO, các quan chức Mỹ muốn đảm bảo rằng Ankara không tìm cách kết thân với Nga và chống lại các nước đồng minh NATO.

Mối lo ngại thứ ba là tương lai mối quan hệ phức tạp của Thổ Nhĩ Kỳ với EU. Vào đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã thương lượng một thỏa thuận về việc hạn chế làn sóng người nhập cư vào châu Âu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để đối lấy sự hỗ trợ tài chính và lời hứa miễn visa vào châu Âu cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng các điều khoản của thoả thuận này có ít tính thực thế và khó thực thi cho cả hai bên. Bất cứ nỗ lực nào của EU nhằm định hình lại thoả thuận này có thể dẫn tới sự tan vỡ. Các quan chức Mỹ e sợ rằng điều này có khơi mào cho một làn sóng người nhập cư mới đổ về châu Âu, gây sức ép quá tải cho cơ cấu chính trị tại lục địa này.

Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội giáo sĩ Fehtulleh Fulen đang định cư tại Pennsylvania (Mỹ) đứng đằng sau vụ đảo chính gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước để phục vụ công tác xét xử. Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đáp lại rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tuân theo các thủ tục pháp lý thông thường của Mỹ để đánh giá yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc đảo chính bất thành, hàng ngàn người đã bị bắt giữ và các cuộc biểu tình ủng hộ ông Gulen dường như đều bị đàn áp. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thúc giục chính phủ các nước trên thế giới đóng cửa các trường học và các hoạt động khác thuộc phong trào "Hizmet” do Gulen khởi xướng vì chỉ trích đây là một mặt trận của các hoạt động khủng bố.

Đám mây bao phủ quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế xuất hiện trước thời gian đảo chính. Trong quá trình cao trào của chiến dịch chống IS, ông Erdogan đã từng nổi giận vì chính phủ Mỹ ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd tại Syria vốn là liên minh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là nhóm khủng bố. Sự rạn nứt này đã được hàn gắn, vì vậy có thể Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải trải qua một giai đoạn quan hệ căng thẳng mới. Song nếu hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ coi Mỹ là kẻ phá hoại nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ thì một tình bằng hữu lâu bền sẽ là điều không thể.

.

Nguồn: vov.vn

.