Với kỳ vọng sự đoàn kết của thế giới sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh Ebola đang ngay càng lây lan nhanh, hôm 4/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày với đại diện các hãng dược phẩm lớn về những loại thuốc thử nghiệm chống Ebola. Việc sớm đưa vào thử nghiệm lâm sàng vaccine Ebola cũng được coi là một trong những phương cách hữu hiệu để ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh này.
8 liệu pháp điều trị và 2 vaccine
Theo tin từ hãng Reuters, tại hội nghị tham vấn các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của WHO đã đưa vấn đề sử dụng vaccine Ebola ra thảo luận. 200 bác sĩ, chuyên gia kỹ thuật của các công ty và hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã cùng nhau đánh giá về sự ảnh hưởng và lây lan của virus Ebola cũng như các liệu pháp điều trị. Cụ thể, có 8 liệu pháp điều trị và 2 loại vaccine được coi là khả quan nhất trong việc phòng ngừa virus Ebola. Trong số đó, các chuyên gia y tế đều thống nhất rằng loại thuốc Zmapp của Công ty dược phẩm Mỹ Mapp vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất.
Bởi lẽ, có rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola, được điều trị bằng Zmapp đã khỏi bệnh và trở lại với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, điểm yếu của loại thuốc này là nguyên liệu không nhiều và khó sản xuất hàng loạt. Vì thế, nhiều chuyên gia y tế cũng đã đề xuất về khả năng sử dụng các liệu pháp điều trị chưa được thử nghiệm trên cơ thể người.
Các nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng vào khu vực có bệnh nhân bị chết vì virus Ebola ở Monrovia, LiberiaẢnh: AP. |
Riêng về 2 loại vaccine, theo đại diện của WHO, trong tuần này, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) sẽ tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người loại vaccine do Tập đoàn dược GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) sản xuất. Có 3 người khỏe mạnh đã tự nguyện làm tình nguyện viên để xem loại vaccine này có tác dụng phụ nào không. Nếu được xác định là an toàn, vaccine sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên một nhóm người khác có độ tuổi từ 18 đến 50 xem có tạo ra phản ứng miễn dịch với virus Ebola hay không. Trong trường hợp tất cả đều ổn, GSK sẽ cho sản xuất ngày 10.000 liều. Loại vaccine thứ 2 được nhắc đến là do Cơ quan Y tế Canada và Công ty dược NewLink Genetics sản xuất.
Hãng Johnson & Johnson của Mỹ cho biết, hãng này cũng đang nỗ lực tìm ra vaccine Ebola và sẽ tiến hành thử nghiệm vào đầu năm 2015. Các mẫu nghiên cứu của hãng Johnson & Johnson được lấy từ các ổ bùng phát dịch tại Congo.
Quân sự hóa để chống lây lan
Con số thống kê mới nhất của WHO được công bố hôm 4-9 cho thấy, số trường hợp bị nhiễm virus Ebola đã tăng đột biến lên tới ít nhất 3.500 người. Hơn 1.900 bệnh nhân trong số đó đã thiệt mạng, nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây cộng lại. WHO khuyến cáo rằng, Ebola có thể lây nhiễm thêm 20.000 người nữa tại Tây Phi vào lúc dịch bệnh này chấm dứt. Để đối phó với dịch bệnh này, WHO ước tính phải cần kinh phí gần 500 triệu USD, 750 cộng tác viên quốc tế và 12.000 nhân viên y tế thuộc các quốc gia. Tổng Giám đốc WHO Magaret Chan cảnh báo, đại dịch Ebola đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia ở Tây Phi và điều này cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) lại cảnh báo rằng, thế giới có khả năng sẽ không kiềm chế nổi sự bùng phát của dịch bệnh Ebola. Do đó, cần phải có hành động cấp thiết hơn, thậm chí áp dụng cả “kỷ luật sắt của quân đội” trong vấn đề này