Cử tri đặc biệt tâm đắc với việc Thủ tướng khẳng định điều cần làm của dân tộc ta hiện nay là giữ vững tinh thần đoàn kết cùng khát vọng vươn lên và hy vọng tinh thần này của người đứng đầu Chính phủ sẽ lan tỏa tới toàn bộ hệ thống hành chính, tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Ngày 10/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời các câu hỏi mà đại biểu nêu trong hơn 2 ngày chất vấn.
Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị cao, khả năng điều hành hiệu quả
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận xét bài phát biểu của Thủ tướng đã bao quát đầy đủ các lĩnh vực của đất nước, đánh giá khách quan thực trạng phát triển của đất nước, chỉ ra được những khó khăn, thách thức cũng như những thành tựu đạt được của đất nước, nhất là vị thế Việt Nam thuộc 10 nước có mức độ cải thiện nổi bật nhất thế giới. Trong vòng 5 năm 2016-2020, Việt Nam đã tạo ra được giá trị GDP khổng lồ - 1.200 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt con số khoảng 9.000 USD tính theo ngang giá sức mua tương đương.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất thế giới và tham gia vào nhiều diễn dàn quốc tế quan trọng, tổ chức nhiều sự kiện mang tính quốc tế. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và đối tác tín cậy trong cộng đồng quốc tế. Lòng tin của cộng đồng quốc tế vào tiềm năng và hiện thực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng cao.
Theo GS. Lạng, những kết quả đạt được nổi bật đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, khả năng điều hành hiệu quả của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, với những quyết sách kịp thời.
PGS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng các công cụ, chính sách và biện pháp được Chính phủ áp dụng đã làm tăng đáng kể lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào năng lực điều hành, sự thấu hiểu nguyện vọng của doanh nghiệp, quần chúng nhân dân và nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ.
“Những kết quả đó cho thấy tầm nhìn, công cụ và biện pháp được Chính phủ áp dụng là đúng hướng, phù hợp với điều kiện Việt Nam, đưa đất nước trụ vững trong khủng hoảng và dịch bệnh. Không những thế, những tiềm năng phát triển mới tiếp tục được khai thác trong giai đoạn mới”, GS. Lạng phân tích.
Thách thức của chúng ta không phải là tụt hậu
Cử tri Trần Ngọc Châu |
Thành tựu quan trọng nữa chính là ký kết Hiệp định EVFTA với châu Âu, mở đường cho hàng hóa Việt tìm được thị trường lớn với thuế suất 0%. Có thể nói đây là thị trường tạo điều kiện cho Việt Nam vẫn xuất siêu, góp phần giữ tăng trưởng GDP ở mức dương hơn 2%, trong khi hầu hết các nền kinh tế khu vực bị âm.
Cử tri Trần Ngọc Châu đồng tình với Chính phủ: Thách thức của chúng ta không phải là tụt hậu, hay thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, mà là “ý chí tự chủ, tự lực, tự cường”. Lịch sử cho thấy dân tộc chúng ta khi cùng chung một ý chí thì sẽ giành chiến thắng. Trong chiến tranh đã vậy, trong thiên tai, dịch bệnh cũng vậy. Thủ tướng nói, mặc dù khó khăn chồng chất, dịch bệnh chưa xong, thiên tai giáng xuống dồn dập, nhưng chúng ta đã vượt qua. Tăng trưởng dự kiến 6% năm tới sẽ là nguồn động lực để cả nước với gần 100 triệu dân đồng lòng hành động cùng Chính phủ. Trong đó, ý kiến phản biện từ nhân dân có thể giúp các cấp, ngành của Chính phủ thực thi lời cam kết: Tăng trưởng bền vững, hài hòa lợi ích nhân dân, bảo vệ môi trường.
Cử tri tán thành việc Thủ tướng vạch lộ trình cụ thể kết nối hệ thống giao thông cho miền Tây Nam Bộ - vựa lúa của cả nước và cho đầu tàu kinh tế Việt Nam là vùng Đông Nam Bộ. Nếu thực hiện được các dự án thì năm 2021 tăng trưởng có thể cao hơn 6%. Cuối cùng, Cử tri Trần Ngọc Châu mong thông điệp kiến tạo và hành động sẽ được hiện thực trên từng dự án, từ dự án cây cầu treo cho các em nhỏ không còn phải bơi qua sông đi học, cho đến đường cao tốc Bắc Nam hay sân bay Long Thành.
‘Tôi tin Chính phủ làm được’
Bà Lê Thuý Hương. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh “đầu năm dịch bệnh, cuối năm thiên tai”, cử tri Lê Thuý Hương cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế, để nhân dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống; đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân. “Tôi tin Chính phủ làm được”, bà Lê Thuý Hương nói.
Công tác trong lĩnh vực giáo dục, cử tri Phạm Phương Chi, Đảng viên, 59 tuổi, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, bà ấn tượng với phát biểu của Thủ tướng: “Chính phủ ý thức được nhu cầu cấp thiết cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương, song trung tâm vẫn phải là người học và người thầy, tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”, “tôn sư trọng đạo”.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có tư duy cởi mở khi khẳng định “cần trao cơ hội cho tư nhân tham gia nhiều hơn nữa vào hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục chất lượng cao hướng đến chuẩn mực quốc tế”, bà Chi nói. Trong bối cảnh nước ta còn nghèo, còn nhiều em học sinh vùng cao khó khăn, nhà giáo Phạm Phương Chi mong muốn Chính phủ quan tâm đến những mầm non của đất nước, mang đến cho các cháu môi trường học tập đầy đủ hơn, tạo động lực cho các thầy, cô giáo tiếp tục mang kiến thức đến cho các cháu. “Tương lai đất nước đặt cả vào nền giáo dục, vào các em học sinh sau này đi dựng xây Tổ quốc. Tôi tin Chính phủ cũng nhận định như vậy”, cử tri Phạm Phương Chi bày tỏ.
Là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt theo dõi các phiên chấn vấn tại Quốc hội, cử tri Nguyễn Lang Chư (trú tại 103H3, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, cán bộ hưu trí, 88 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng) cho biết, phần phát biểu giải trình của Thủ tướng Chính phủ trong sáng 10/11 đã làm rõ hơn nhiều vấn đề được các đại biểu đề cập trong hơn 2 ngày chất vấn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Lang Chư bày tỏ vui mừng về những thành tựu toàn diện mà đất nước ta đạt được thời gian qua. Ông cho rằng bước vào triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2016-2020, đất nước có quá nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, đối phó, nhất là gần đây tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp… Song với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nước ta đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện được mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được tăng trưởng; kiếm soát tốt giá cả thị trường, bảo đảm được cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường…
Một điểm lớn mà ông Nguyễn Lang Chư bày tỏ ấn tượng sâu sắc đó là công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này đạt được rất nhiều kết quả; thực sự đã không có vùng cấm và không loại trừ bất cứ một ai. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy Nhà nước từng bước được chấn chỉnh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, phục vụ người dân tốt hơn.
Là cử tri cao tuổi, ông Nguyễn Lang Chư mong muốn, thời gian tới Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa trong chăm lo cho các gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế, người cao tuổi… về cả vật chất và tinh thần, nhất là chăm lo về sức khỏe, y tế, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này có thể dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ các chương trình, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Nhà nước.
“Tôi rất vui khi trong phát biểu giải trình tại Quốc hội vào sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn dành sự quan tâm và cho biết đang có những chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người cao tuổi, cán bộ hưu trí”, ông Nguyễn Lang Chư bày tỏ.
.