Thứ Năm, 25/07/2019, 09:44 [GMT+7]

Tân Thủ tướng Anh liệu có thể đảo ngược ván bài Brexit?

Giành lấy 66% số phiếu bầu ở vòng bỏ phiếu cuối cùng do các thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền quyết định, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã trở thành tân Thủ tướng Anh, mở đường cho việc hiện thực hóa chủ trương Brexit mà ông luôn theo đuổi.
 
Chiến thắng không thể đảo ngược
 
Một năm trước, tháng 7-2018, cái tên Boris Johnson được nhắc đến trên các mặt báo là vị Ngoại trưởng vừa cương quyết rời khỏi chính phủ của bà Theresa May vì những bất đồng trong tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu, vốn được gọi là Brexit. Việc từ chức của ông Johnson khi đó từng được coi là mất mát lớn, bởi chính ông Johnson là người đã dẫn đầu chiến dịch “LEAVE” vận động ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. 
 
Một năm sau, tháng 7-2019, cái tên Boris Johnson một lần nữa xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, nhưng với một vị thế hoàn toàn khác: nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là tân Thủ tướng Anh. Chiến thắng của ông Johnson được giới truyền thông đánh giá là “không thể đảo ngược”, khi ông liên tục đứng đầu ở cả 5 vòng bỏ phiếu của các nghị sỹ đảng Bảo thủ, sau đó giành lấy 66% phiếu bầu, tương đương với 92.153 số phiếu cử tri, gần gấp đôi con số 46.656 của đối thủ Jeremy Hunt tại vòng bỏ phiếu cuối cùng diễn ra hôm 23-7 vừa qua.
Chân dung tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP
Chân dung tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP
Chiến thắng của ông Johnson cũng được ví như cơn mưa sau nắng hạn, khi nước Anh đang phải trải qua những ngày nặng trĩu vì Brexit. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã từng cúi đầu từ chức sau khi thỏa thuận Brexit mà bà cùng nội các của mình soạn thảo đã không được Quốc hội thông qua 3 lần liên tiếp. Các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ rằng sẽ không đàm phán lại và bắt đầu “mệt mỏi” với những lần gia hạn Brexit liên tiếp mà không đạt được tiến triển nào.
 
Hơn thế, nội bộ nước Anh đang chứng kiến sự mâu thuẫn sâu sắc giữa các Đảng phái và giữa các quan chức chính phủ xoay quanh bài toán ly hôn châu Âu. Hơn lúc nào hết, người dân Anh chờ đợi một làn gió mới mang lại sức mạnh phá tan thế bế tắc hiện tại, và tân Thủ tướng Boris Johnson đã giành được đủ sự ủng hộ để làm điều đó.
 
Ván bài Brexit liệu có thể đảo ngược?
 
Ngay từ khi còn là Thị trưởng London, ông Johnson đã luôn kiên trì với lập trường rời EU nhằm mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tự chủ cho đảo quốc sương mù. Chủ trương xuyên suốt mà ông Johnson theo đuổi, từng được ông tuyên bố hồi tháng 5 vừa qua, đó là: “Nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31-10, kèm một thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận nào. Cách tốt nhất để đạt được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho phương án không có thỏa thuận”.
 
 Trong suốt quá trình vận động tranh cử kéo dài hơn 1 tháng qua, ông liên tục nêu cao chủ trương này với khẩu hiệu “Brexit hay là chết!”. Khẩu hiệu này được cho là cách nhằm gia tăng sức ép với các nghị sĩ Anh và với chính EU, buộc họ phải ủng hộ thỏa thuận mới mà nội các của tân Thủ tướng Johnson sẽ soạn thảo. 
Tân Thủ tướng Anh đã có bài phát biểu ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Ảnh: RT
Tân Thủ tướng Anh đã có bài phát biểu ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Ảnh: RT
Song giới quan sát lo ngại rằng, việc tân Thủ tướng Anh chỉ còn khoảng 3 tháng để thúc đẩy tiến trình Brexit đã trì trệ suốt 3 năm qua sẽ rất dễ làm gia tăng nguy cơ Brexit không thỏa thuận, gián tiếp đưa nền kinh tế nước Anh đến bên bờ vực thẳm. Nếu ông Johnson không thể thành công với thỏa thuận mới, số phận của ông có thể cũng giống như vị Thủ tướng tiền nhiệm, và nước Anh sẽ rời khỏi EU trắng tay. 
 
Cần lưu ý thêm rằng, chủ trương Brexit bằng mọi giá của ông Johnson đã vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức chính phủ đương nhiệm. Ngay trước thời điểm kết quả bầu cử được công bố, một loạt bộ trưởng trong chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ từ chức. Vì lẽ đó, để có thể hiện thực hóa tham vọng Brexit của mình, theo Reuters, Thủ tướng Johnson cần phải cấp bách xây dựng lại nội các, hàn gắn những chia rẽ đã hằn sâu trong nội bộ chính phủ Anh thời gian qua, và tìm được tiếng nói chung từ các bộ trưởng trong vấn đề nan giải này. 
 
Giới phân tích dự đoán nội các mới của ông Johnson nhiều khả năng sẽ hồi sinh Brexit bằng việc đưa ra “những nội dung tốt nhất” của thỏa thuận đang có nhằm thuyết phục quốc hội, trong đó bao gồm quyền lợi của công dân EU, cùng các chính sách hợp tác an ninh, ngoại giao. Có thể ông Johnson sẽ thực hiện chính sách “sự nhập nhằng có lợi”, tức là “hóa đơn ly hôn” khoảng 39 tỷ bảng Anh (49 tỷ USD) sẽ chỉ được thanh toán chừng nào hai bên đạt được một thỏa thuận mới, qua đó buộc EU phải chấp nhận một thỏa thuận mang tính tạm thời.
 
Trước chiến thằng không thể đảo ngược của ông Johnson, nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao một người từng “rũ áo ra đi” lại có thể nhận được sự ủng hộ liên tục như vậy? Có lẽ, chính sự kiên định với chủ trương Brexit và niềm tin vào việc Anh chắc chắn sẽ rời EU đã khiến ông Johnson chiến thắng trong cuộc chạy đua giành lấy chiếc ghế Thủ tướng. 
 
Truyền thông quốc tế còn ví von rằng, ông Johnson chính là “Donald Trump của nước Anh”, người sẽ khiến nước Anh tuyệt vời trở lại. Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Johnson khẳng định nước Anh sẽ “hoàn tất Brexit vào ngày 31-10” với “tinh thần mới – tinh thần có thể làm mọi thứ”. 
 
“Và chúng ta sẽ một lần nữa tin vào bản thân mình và tin vào những gì chúng ta có thể làm, giống như một người khổng lồ thức giấc, chúng ta sẽ trỗi dậy và gỡ bỏ những sợi dây ngờ vực và tiêu cực”, lời kêu gọi của tân Thủ tướng Anh đã chính thức mở màn cho chặng đua Brexit mới hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi theo hướng quyết đoán hơn.
.

Nguồn: CAND

.