Thứ Sáu, 28/06/2019, 10:10 [GMT+7]

Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt nhờ Thượng đỉnh G20?

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản trong 2 ngày 27 và 28-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị.
 
Đây là lúc giới đầu tư và kinh doanh toàn cầu nín thở chờ đợi một “lệnh ngừng bắn” có thể được triển khai giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc.
 
Chờ đón tín hiệu mới
 
Trả lời phỏng vấn đài CNBC ngay trước thềm chuyến công du đến Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hoàn thiện tới 90%.
 
“Chúng tôi đã xong 90% lộ trình. Thông điệp mà chúng tôi muốn nghe là Trung Quốc muốn tiếp tục đàm phán, vì tôi nghĩ sẽ có giải pháp tốt cho cả nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ để có được thương mại cân bằng và tiếp tục xây dựng mối quan hệ song phương”, ông nói.
Thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tại Thượng đỉnh G20 năm nay. Ảnh: AP.
Thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tại Thượng đỉnh G20 năm nay. Ảnh: AP.
Là một trong những người đàm phán chính với Trung Quốc, ông Mnuchin cũng chia sẻ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có “quan hệ làm việc rất gần gũi”, nhưng cần có nỗ lực đúng mức để đạt được thỏa thuận.
 
Tuyên bố của ông Mnuchin được coi là một tín hiệu đáng mừng, phần nào hé mở nội dung nghị sự của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Theo đó, tại cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 29-6 tới đây tại Osaka, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ cùng thảo luận và tìm ra hướng đi cho cuộc chiến thương mại kéo dài suốt gần 1 năm qua giữa hai nước, tạo ra,  bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ.
 
Đây sẽ là một trong những cuộc gặp song phương được giới phân tích theo dõi sát sao nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận.
 
Các nguồn tin ở Washington và Bắc Kinh ngày 27-6 cho biết Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận “đình chiến thương mại”, dừng các biện pháp áp thêm thuế với nhau sau cuộc gặp này.
 
Ngày 26-6, trả lời phỏng vấn kênh Fox Business về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đạt được vào cuối tuần này tại Osaka, Tổng thống Trump nói: “Hoàn toàn có thể”.
 
Ngoài tuyên bố mong muốn “một cái bắt tay thật chặt” với Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại kéo dài, Tổng thống Trump khẳng định sẽ không để mất nhiều thời gian trong cuộc đàm phán đang được cả thế giới trông đợi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết ông vẫn chuẩn bị kịch bản sẽ áp mức thuế bổ sung đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nếu hai nước tiếp tục bất đồng về vấn đề thương mại.
 
Còn đó những khác biệt
 
Trước những tuyên bố còn mang tính “nước đôi” của ông chủ Nhà Trắng, các nhà phân tích nghi ngại rằng một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ-Trung sẽ không thể đạt được vào cuối tuần này, mà thay vào đó chỉ là một “lệnh ngừng bắn mang tính tạm thời” trong việc tăng thuế.
 
Còn nhớ tại cuộc gặp song phương bên lề Thượng đỉnh G20 tại Argentina hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ từng nhất trí hoãn nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc trong ba tháng.
 
Tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sau đó đã khiến Mỹ tiếp tục hoãn nâng thuế nhưng đến đầu tháng 5, đàm phán đổ bể khi hai nước sắp đạt được thỏa thuận. Mỹ nâng thuế với Trung Quốc sau khi cáo buộc nước này phá bỏ cam kết đã nhất trí, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Trong động thái mới nhất, ông chủ Nhà Trắng vẫn đe dọa sẽ áp thuế 25% với 300 tỷ hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
 
Còn tại Thượng đỉnh G20 Nhật Bản năm nay thì sao, điều gì sẽ xảy ra? Đài CNBC dẫn phân tích của chiến lược gia Donald Straszheim thuộc Trung tâm nghiên cứu Evercore ISI cho biết, có 3 kịch bản khả thi cho cuộc gặp Mỹ-Trung sắp tới.
 
Đầu tiên, kịch bản có 45% khả năng xảy ra, đó là Mỹ sẽ đồng ý trì hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong một khoảng thời gian chưa xác định, nhằm giúp hai bên sẽ có thêm thời gian tổ chức các cuộc đàm phán thương mại để đi tới một thỏa thuận.
 
Kịch bản thứ hai với xác suất 35% là Mỹ sẽ trì hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong khoảng thời gian cố định.
 
Thứ ba và cũng là kịch bản tồi tệ nhất với dự đoán 20% khả năng xảy ra, đó là Mỹ sẽ không đề cập tới việc áp thuế bổ sung trong tuyên bố sau cuộc họp, ngầm ám chỉ chính quyền ông Trump sẽ áp thêm thuế nhập khẩu lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào một thời điểm thích hợp.
 
Các chuyên gia cũng nêu rõ rằng, nhìn nhận một cách khách quan, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã liên tục leo thang bằng những đòn áp thuế “ăn miếng trả miếng” kể từ tháng 3 năm ngoái. Cùng với một loạt bất đồng trong đàm phán, sẽ rất khó để quan hệ thương mại giữa hai nước trở về trạng thái bình thường chỉ trong một ngày tại Thượng đỉnh G20.
 
Mặc dù vậy, Thượng đỉnh G20 sẽ là một “cơn mưa” hiếm hoi có thể thắp lên cầu vồng sau chuỗi ngày u ám và ảm đạm giữa hai bên. Việc hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Thượng đỉnh, cùng việc phái đoàn hai nước liên tục tham dự các vòng đàm phán thương mại trong nhiều tháng qua, cũng là những minh chứng tiêu biểu cho nỗ lực của hai cường quốc trong việc tìm kiếm hướng đi chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng này.
.

Nguồn: CAND

.