Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải hành động quyết liệt, hiệu quả và khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đó là yêu cầu và chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, ngày 18/01. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Các đồng chí chủ trì và điều hành Hội nghị. |
Chuyển biến tích cực trong toàn Ngành
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhìn lại năm 2018 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát và chấp hành nghiêm chủ trương và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất Quốc hội, Chính phủ bổ sung, sửa đổi một số luật, nghị định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức. Cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra. Sau 1 năm thực hiện, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đến cuối tháng 10/2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 7 tổng cục và tương đương; khoảng 200 cục, vụ và tương đương; 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh; giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; gần 200 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; gần 10.000 lãnh đạo phòng; giảm hơn 81.000 công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương; giảm hơn 51.000 người hưởng lương và phụ cấp ở cấp xã.
Nêu rõ 6 ưu điểm, 5 hạn chế, 6 bài học kinh nghiệm trong công tác của ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Toàn Ngành sẽ chủ động bám sát thực tiễn, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo”; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương pháp, lề lối, tác phong làm việc.
Chuyển biến mạnh mẽ từ các cấp ủy
Mở đầu phần tham luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, riêng việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ đã giúp giảm ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, sau sắp xếp, bộ máy của Bộ hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nâng cao tinh thần phục vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Năm 2019, Bộ xác định 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng quy hoạch chiến lược đội ngũ cán bộ công an các cấp, ấn định biên chế, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội nhiệm kỳ tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, trong năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo có kết quả toàn diện các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng, tập trung và những khâu khó, việc mới. Trọng tâm là tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ; triển khai xây dựng Đề án tổng thể thực hiện một số mô hình thí điểm, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, với bước đi, lộ trình cụ thể. Với phương châm “việc dễ triển khai trước”, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, “chọn địa bàn để thực hiện”, Đề án đã lựa chọn 6 mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị; 3 mô hình hợp nhất tổ chức. Mỗi mô hình thí điểm đều có nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn riêng. Đến nay, đã có 24/30 quận, huyện, thị ủy thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; có 4 Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện... Đến nay, toàn thành phố đã giảm 74 ban chỉ đạo thuộc thành phố; giảm 59 phòng, ban; giảm 182 cán bộ cấp phòng, giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 99 lãnh đạo các ban quản lý dự án. Các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc khối chính quyền và sắp xếp các đơn vị trực thuộc; sau sắp xếp đã giảm 128 đầu mối. Thành phố cũng đã giảm 248 đơn vị sự nghiệp, có 125 đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển sang tự chủ...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy; bày tỏ quyết tâm tiếp tục đổi mới công tác tổ chức xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, ngành Tổ chức xây dựng Ðảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Nhất trí với 8 nhiệm vụ giải pháp nêu trong báo cáo, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, toàn ngành cần bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược do Đại hội XII của Đảng đề ra về công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng bằng những biện pháp mạnh mẽ kịp thời và phù hợp.
Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu, ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả và khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng chí nêu rõ: “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải được thực hiện thận trọng, chắc chắn; tránh cầu toàn, nhưng cũng không được nóng vội, rõ đến đâu làm đến đấy, vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục, sai một ly đi một dặm”.
Lưu ý cần tập trung làm công tác cán bộ bảo đảm dân chủ khách quan, công khai minh bạch và chính xác để xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, đồng chí Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo ngành Tổ chức xây dựng Đảng giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa đức và tài, nhưng đức phải là gốc; giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; chuẩn bị một bước quan trọng về nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ.
Hình ảnh tại Hội nghị |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định, sau hội nghị các cơ quan chức năng của Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tham luận, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng để sớm hoàn chỉnh Báo cáo và Kết luận hội nghị làm căn cứ để toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tổ chức thực hiện trong những năm tới đây.
Đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2018, cả nước đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có đóng góp hiệu quả, tích cực của ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà hội nghị đã xác định, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng nguyện chung sức, đồng lòng, tiếp tục phá huy truyền thống vẻ vang và những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
.