Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa công bố Báo cáo tình hình ma tuý thế giới 2018. Theo đó, mức sản xuất chất cocaine và thuốc phiện đã đạt mức phá kỷ lục trong khi cuộc khủng hoảng thuốc opioid ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo, trong năm 2016, ước tính 1.410 tấn cocaine được sản xuất trên toàn thế giới, mức cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Hầu hết lượng cocaine trên thế giới đến từ Colombia và được bán tại Bắc Mỹ. Châu Phi và Châu Á là những trung tâm mới nổi về buôn lậu và tiêu thụ.
Từ năm 2016-2017, sản lượng thuốc phiện toàn cầu tăng 65% lên đến 10.500 tấn, mức cao nhất được UNODC ghi nhận kể từ khi bắt đầu theo dõi sản xuất thuốc phiện toàn cầu vào đầu thế kỷ XXI. Thuốc phiện được sản xuất chính yếu tại Afghanistan và chuyển theo con đường Balkan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thuốc opioid ngày càng tăng, nghĩa là các loại thuốc kê đơn lại dùng cho những mục đích phi y tế, đang trở nên một mối đe dọa lớn cho sức khỏe cộng đồng và cho các nhân viên thi hành pháp luật trên toàn cầu.
Theo UNODC, chất opioid hiện là nguyên nhân của 76% các trường hợp tử vong do các rối loạn khi sử dụng.
Bên cạnh đó, cần sa là một chất gây nghiện được tiêu thụ nhiều nhất trong năm 2016, với 192 triệu người sử dụng cần sa ít nhất một lần trong năm trước. Số lượng người dùng cần sa toàn cầu tiếp tục tăng và dường như đã tăng khoảng 16% trong vòng 10 năm qua. Báo cáo cho biết hiện còn quá sớm để biết được ảnh hưởng của việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa để giải trí.
.