Mặc dù có những biến động phức tạp, nhưng nhìn vào xu thế chung, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng châu Á khẳng định vị trí quan trọng của mình trên “bàn cờ” kinh tế thế giới.
Điều này được lý giải là châu Á với các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc là đầu tàu. Đây cũng là châu lục có dân số tăng nhanh. Dự báo, đến năm 2030, châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân, chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.
Tỉ lệ đô thị hóa của châu Á cũng cao, tới 40% (các nước phát triển có tỉ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỉ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%) cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.
Nhật báo Le Monde (Pháp) số ra đầu năm 2018 nhận định châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) cho hay từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong TOP 25.
Một so sánh khác rất ấn tượng là Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ 5 trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, vượt cả Pháp và Anh...
Trường hợp Hàn Quốc là một thí dụ. Để tiếp tục là nền kinh tế đứng hàng thứ 4 châu Á, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong hôm 5/4 đã công bố “Chính sách thương mại mới" của Hàn Quốc, trong đó tập trung mở rộng các thị trường buôn bán và tham gia các khối thương mại lớn để thúc đẩy xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.
Trên thực tế, Hàn Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ sáu thế giới trong năm 2017. Hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ chiếm 36,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường quan ngại về các động thái bảo hộ thương mại và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc.
Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định “các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần”.
Cùng quan điểm và nhận định nói trên, trong báo cáo mang tựa đề "Báo cáo hằng năm về sức cạnh trạnh của châu Á năm 2018" công bố tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 diễn ra từ ngày 8-11/4 tại Hải Nam (Trung Quốc) đã nhấn mạnh đến vai trò "chèo lái" quan trọng của kinh tế châu Á đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Báo cáo khẳng định các yếu tố về tăng trưởng bên ngoài được tăng cường, đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế chính là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của châu Á.
Báo cáo đánh giá tiến trình hội nhập kinh tế châu Á đã đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng và việc phối hợp thực hiện chiến lược phát triển thị trường quốc tế chung giữa các nền kinh tế sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi thế phát triển, cũng như đảm bảo các nền kinh tế châu Á có liên quan có được sự ổn định hơn và phát triển tốt trong tương lai.
Tất nhiên, để giải quyết tốt bài toán về tăng trưởng kinh tế thì các nước châu Á cũng phải đề ra các giải pháp hữu hiệu để giảm mức chênh lệnh giàu nghèo rất cao, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ; thách thức về dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu; có thể rơi vào cái “bẫy thu nhập trung bình”, sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại; hoặc ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển…
Ngoài ra, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.
Rõ ràng, trong xu thế phát triển chung thì châu Á hiện đang có vai trò và tác động tích cực cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.
.