Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24 - 26/1 tại New Delhi.
Trong 25 năm qua, quan hệ ASEAN - Ấn Độ không ngừng phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh cho đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Quan hệ giữa ASEAN - Ấn Độ đã được nâng cấp nhanh chóng từ quan hệ Đối tác đối thoại bộ phận vào năm 1992 lên quan hệ Đối thoại đầy đủ vào năm 1995. Hai bên bắt đầu tổ chức các hội nghị cấp cao hàng năm từ năm 2002. Đến năm 2012, ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối thoại chiến lược. Năm 2017, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối thoại được 25 năm, cơ chế hội nghị cấp cao được 15 năm và quan hệ Đối thoại chiến lược được 5 năm.
Hai bên đã thiết lập 30 cơ chế chế đối thoại, đã có 67/130 biện pháp đã và đang được triển khai (18 biện pháp về chính trị-an ninh, 22 biện pháp về kinh tế, 20 biện pháp về văn hóa -xã hội và 7 biện pháp về các lĩnh vực đa ngành).
Về hợp tác chính trị-an ninh, Ấn Độ tái khẳng định ASEAN là trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông, cam kết sâu hơn và hành động thiết thực hơn với khu vực, chia sẻ quan điểm ASEAN về xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, mở, toàn diện, cân bằng. Ấn Độ tiếp tục coi kết nối toàn diện với ASEAN là một trọng tâm thông qua việc bước đầu triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD cho các dự án kết nối, đề xuất lập Nhóm đặc trách ASEAN-Ấn Độ về kết nối, tăng thêm 50 triệu USD cho Quỹ hợp tác ASEAN-Ấn Độ...
Về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở; giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tất cả các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ các nguyên tắc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Về kinh tế, ASEAN và Ấn Độ đã ký Hiệp định về tự do hàng hóa vào năm 2009 và Hiệp định về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư năm 2014. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại đến nay, thương mại hai chiều ASEAN - Ấn Độ tăng 25 lần, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 76 tỷ USD năm 2017. Đầu tư trực tiếp giữa ASEAN và Ấn Độ cũng tăng mạnh trong vòng 25 năm qua, cho đến năm 2017, ASEAN đầu tư 70 tỷ USD vào Ấn Độ và tiếp nhận 40 tỷ USD từ Ấn Độ.
Về du lịch, số lượng khách Ấn Độ đến ASEAN và ngược lại tăng nhanh chóng, tốc độ 7% năm. Cụ thể, nếu năm 2014 có khoảng 3 triệu lượt du khách Ấn Độ đến các nước ASEAN, năm 2015 tăng lên khoảng 3,3 triệu lượt. ASEAN là thị trường du lịch lớn thứ 4 của Ấn Độ trong khi đó lượng khách ASEAN đến Ấn Độ lớn thứ 7 so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Trong những năm qua, hợp tác văn hóa-xã hội là lĩnh vực hợp tác năng động nhất giữa ASEAN và Ấn Độ. Nhiều hoạt động hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân tiếp tục diễn ra thường niên, định kỳ như chương trình trao đổi sinh viên ASEAN-Ấn Độ; khóa đào tạo về ngoại giao cho các nhà ngoại giao ASEAN; hội thảo quốc tế về các kết nối nền văn minh giữa ASEAN và Ấn Độ; chương trình trao đổi truyền thông ASEAN-Ấn Độ; chương trình trao đổi nông dân trẻ ASEAN-Ấn Độ và mạng lưới nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ…
Trong mối quan hệ của Ấn Độ với ASEAN thì quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu. Phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện và sự tin cậy vốn có giữa hai nước, Việt Nam đã làm tốt vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hai bên hoàn thành nhiều chương trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Về việc Ấn Độ lần đầu tiên mời lãnh đạo tất cả 10 nước ASEAN tham dự Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa, điều này nói lên vị trí, vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Hơn nữa, điều đó cũng thể hiện mong muốn của Ấn Độ về một hình ảnh ASEAN thống nhất, đoàn kết trong quan hệ với Ấn Độ.
Việc nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15 năm đối thoại cấp cao ASEAN - Ấn Độ và hàng loạt các sự kiện bên lề như Hội nghị Kinh doanh và đầu tư, Hội nghị Dệt may ASEAN - Ấn Độ, Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Hằng Hà... là một bước thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa hai bên lên tầm cao hơn, sâu sắc hơn.
Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Ấn Độ với tư cách là khách mời chính trong Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa và sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của phía Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ lần này với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh” là cơ hội thuận lợi để Việt Nam duy trì đà phát triển quan hệ với Ấn Độ, thể hiện vai trò tích cực điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
An Bình
.