Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201710/thu-tuong-du-su-kien-quan-trong-nhat-cua-tien-trinh-bo-truong-tai-chinh-apec-763113/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201710/thu-tuong-du-su-kien-quan-trong-nhat-cua-tien-trinh-bo-truong-tai-chinh-apec-763113/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thủ tướng dự sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 21/10/2017, 15:17 [GMT+7]

Thủ tướng dự sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC

Sáng 21/10, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ “điều đặc biệt lo ngại là khu vực của chúng ta đang tồn tại một số điểm nóng đe dọa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho phát triển”.
 
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 là sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 được Việt Nam đăng cai tổ chức. APEC 2017 cũng là năm đầu tiên thực hiện chiến lược đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng Tài chính APEC
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng Tài chính APEC
Vui mừng chào đón các vị Bộ trưởng, các vị Trưởng đoàn tham dự Hội nghị diễn ra tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, nơi có 2 di sản văn hóa nổi tiếng được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, Thủ tướng nhìn nhận Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu tiếp tục được cải thiện.
 
Khu vực APEC với những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế phát triển năng động tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù vậy, APEC vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng và năng suất ở một số nền kinh tế còn thấp.
 
ADB dự báo tăng trưởng thương mại khu vực có dấu hiệu chững lại. Xu hướng bảo hộ, các biện pháp phi thuế có chiều hướng gia tăng. Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tất cả chúng ta. Thực tiễn cho thấy, không phải mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động bất lợi đến phát triển của các nền kinh tế.
 
“Điều đặc biệt lo ngại là khu vực của chúng ta đang tồn tại một số điểm nóng đe dọa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho phát triển”, Thủ tướng bày tỏ. Những khó khăn, thách thức là rất lớn trong khi các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Điều này đòi hỏi sự chung tay của chúng ta, vừa nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình ổn định vừa chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sáng tạo hiệu quả để cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.
 
Trong thời gian qua, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã hợp tác tích cực, hướng tới các mục tiêu về  đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng tiếp tục các nỗ lực hợp tác, phối hợp chính sách và đưa ra các giải pháp thiết thực
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng tiếp tục các nỗ lực hợp tác, phối hợp chính sách và đưa ra các giải pháp thiết thực
Nỗ lực hợp tác để báo cáo Hội nghị Thượng đỉnh APEC
 
Thủ tướng hoan nghênh các Bộ trưởng, trưởng đoàn cùng hợp tác triển khai 4 chủ đề ưu tiên đã thảo luận trong các ngày qua. Đó là tài chính cho cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hình thức hợp tác công-tư (PPP).
 
Hai là chống xói mòn cơ sở thuế và dịch vụ chuyển lợi nhuận nhằm khơi thông các dòng vốn, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
 
Thứ ba là tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai nhằm phòng ngừa và giảm tác động từ thiên tai.
 
Và thứ tư là tài chính bao trùm hướng tới chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân, các tổ chức doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, góp phần giảm nghèo, phát triển bao trùm. 
 
Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong 30 năm thực hiện đổi mới, từ một nước nghèo và kém phát triển, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên và từ năm 2010, theo WB, Việt Nam đã thuộc nhóm nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình.
 
Năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,21%; năm 2017 GDP ước tăng lên mức cao là 6,7%. Lạm phát giữ ở mức ổn định dưới 5%, thâm hụt ngân sách dưới 4%, nợ công trong giới hạn cho phép dưới 65% GDP, xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD, tăng 15%; giải ngân đầu tư nước ngoài ước đạt trên 15 tỷ USD, tăng 18%. Hết quý III năm 2017, thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Mức vốn hóa thị trường vốn đạt 93% GDP. Giai đoạn 2016 – 2020 phấn đấu GDP tăng trung bình 6,5 đến 7%/năm.
 
Theo Thủ tướng, đạt được các kết quả tích cực này có sự đóng góp quan trọng của khu vực tài chính công với nguồn thu ổn định và hiệu quả cũng như phát triển thị trường tài chính. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt khu vực tài chính theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng cạnh tranh, tăng trưởng bền vững, bao trùm. 
 
“Tôi mong rằng các Bộ trưởng, các vị trưởng đoàn sẽ tiếp tục các nỗ lực hợp tác, phối hợp chính sách và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt các ưu tiên chính sách, giải quyết những khó khăn, thách thức, hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, phát triển bền vững và báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 vào tháng 11 tới”, Thủ tướng phát biểu.
 
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các hội nghị liên quan khai mạc ngày 19/10 có sự tham dự của 300 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các bộ trưởng tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB và OECD.
 
Các nội dung trao đổi trong 4 lĩnh vực ưu tiên trên được báo cáo lên các bộ trưởng vào ngày 21/10, trên cơ sở đó các bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm và định hướng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới.
.

Nguồn: Đức Tuân/Chinhphu.vn

.