Tin tức sự kiện
Triều Tiên tuyên bố tiếp tục phóng tên lửa; Mỹ cân nhắc 'mọi phương án'
08:02, 30/08/2017 (GMT+7)
Sau vụ phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi tiếp tục tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới vào Thái Bình Dương, còn phía Nhà Trắng phát đi lời cảnh báo rằng, Washington đang cân nhắc "mọi phương án" đối với đất nước này.
TTXVN đưa tin, trong cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào sáng 30/8 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố lên án vụ Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, coi đây là "mối đe dọa thái quá", đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng không được tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa nào và chấm dứt toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Tuyên bố của HĐBA LHQ nêu rõ điều quan trọng sống còn hiện nay là Triều Tiên phải có hành động cụ thể và ngay lập tức nhằm làm căng thẳng, đồng thời kêu gọi tất cả các nước trên thế giới nghiêm túc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
HĐBA cũng bày tỏ "cam kết theo đuổi một giải pháp chính trị, ngoại giao và hòa bình" để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố lần này của HĐBA LHQ do Mỹ soạn thảo không đe dọa có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/8 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới vào Thái Bình Dương. Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo được thiết kế để mang một lượng chất nổ hạt nhân lần đầu tiên bay qua Nhật Bản.
KCNA cho biết ông Kim bày tỏ "rất hài lòng" với việc phóng tên lửa nói trên, gọi đây là một "khúc dạo đầu có ý nghĩa" nhằm kiềm chế đảo Guam - một vùng lãnh thổ Thái Bình Dương, nơi có một căn cứ quân sự của Mỹ. Ông cũng cho biết thêm rằng Triều Tiên sẽ quan sát "cách hành xử của Mỹ" trước khi đưa ra các hành động tiếp theo.
Ông khẳng định rằng vụ phóng thử vừa qua là hoạt động quân sự của Triều Tiên ở Thái Bình Dương và nhấn mạnh "cần tích cực thúc đẩy các nỗ lực nhằm biến sức mạnh chiến lược này thành một nền tảng hiện đại bằng cách tiến hành thêm nhiều cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo với mục tiêu là Thái Bình Dương trong tương lai".
Trước đó, ngày 29/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Washington đang cân nhắc "mọi phương án" liên quan tới tình hình Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản sáng cùng ngày.
Tuyên bố của Nhà Trắng cảnh báo "các hành động đe dọa và làm bất ổn sẽ chỉ gia tăng sự cô lập đối với Triều Tiên trong khu vực cũng như trên toàn thế giới" đồng thời cho biết Washington đang cân nhắc "tất cả mọi phương án". Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố có thể sử dụng hành động quân sự trong cuộc khủng hoảng tại Bán đảo Triều Tiên, cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với "hỏa lực và thịnh nộ" nếu đe dọa Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ quan ngại trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đồng thời lên án mạnh mẽ tất cả các vụ thử tên lửa trái phép. Người phát ngôn của bà May cũng cho biết quan điểm của London là sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để gia tăng sức ép đối với Triều Tiên. Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ có chuyến thăm chính thức 3 ngày từ 30/8-1/9 đến Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại thời hậu Brexit. Người phát ngôn của Phố Downing cho biết tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên sẽ là một phần trong chương trình trao đổi của lãnh đạo hai nước.
Liên quan đến vụ phóng tên lửa, theo KCNA, quả tên lửa được phóng ngày 29/8 là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 mà nước này đã thử nghiệm thành công hồi tháng 5 và đầu tháng này đe dọa sẽ phóng về phía đảo Guam. Trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm tên lửa với một tốc độ bất thường, 13 vụ từ đầu năm tới nay.
Trong vụ phóng mới nhất, dường như tên lửa của Triều Tiên đã đi được quãng đường dài nhất từ trước tới nay. Theo Bộ chỉ huy liên quân Hàn Quốc, tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã bay khoảng 2700km, đạt độ cao 550km và bay qua vùng trời của đảo Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông Kim lên cầm quyền, một tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
KCNA tuyên bố vụ phóng nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng đầy thách thức đối với cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra gần đó. Tuy nhiên, sự kiện này dường như còn nhằm mục đích chứng tỏ rằng Triều Tiên có thể thực hiện lời đe dọa nhằm vào Guam nếu họ muốn, trong khi tạo một tiền lệ nguy hiểm là các tên lửa trong tương lai có thể bay qua Nhật Bản.
Nguồn: Chinhphu.vn