Quốc tế

Nga - Mỹ tung đòn trả đũa lẫn nhau?

15:17, 28/08/2017 (GMT+7)

 

TIN LIÊN QUAN
Ngày 23/8 vừa qua, Mỹ thông báo tạm ngừng thủ tục cấp thị thực không định cư trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga.

Thủ tục này sẽ được khôi phục lại ở Đại sứ quán Mỹ tại Moscow vào ngày 1/9, còn ở các lãnh sự quán được coi là không thời hạn.

Phía Nga cho đây là sự trả đũa từ phía Mỹ nhằm đáp trả yêu cầu giảm số lượng nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Nga, khiến cho quan hệ Nga – Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Cái bắt tay giữa Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump bên lề G20 ở Đức tháng 7/2017. (Ảnh: Getty Images)

 Từ bề nổi đến phần chìm của tảng băng…

Ngày 2/8, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, với tiêu đề: “Thúc đẩy đoàn kết chống lại hành vi hiếu chiến của Nga trong năm 2017”, nội dung đề cập đến việc đối phó với năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Moscow.

Ông Adam Smith – chủ biên của Dự luật nêu trên cho rằng cần phải: “răn đe sự hiếu chiến của Nga, tăng cường sức mạnh cho các đồng minh và đối tác quân sự, thúc đẩy sự gắn kết, đồng thời tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng như tránh việc lao đầu vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới”.

Trước đó, Mỹ cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở nước này, và cựu Tổng thống Mỹ B. Obama đã chỉ thị đóng cửa và tịch biên hai khu ngoại giao đoàn của Nga tại Mỹ, trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga. Sau động thái này, quan hệ giữa hai cường quốc bước vào “thời kỳ đóng băng mới”.

Được biết, ngay trong quá trình tranh cử cũng như hơn 7 tháng cầm quyền, ông Trump được kỳ vọng là sẽ tạo bước “đột phá” trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, khi những “bất đồng cũ” chưa được giải tỏa thì liên tiếp xảy ra một loạt những “va chạm” mới làm xấu thêm quan hệ ngoại giao song phương do xung đột lợi ích cốt lõi giữa hai nước.

Phản ứng lại lệnh trừng phạt của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 20/6 cho biết, Nga lấy làm tiếc đồng thời cảnh báo Moscow đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả đối với động thái trên của Mỹ.

Theo giới quan sát, quan hệ Nga - Mỹ cũng đã từng xuất hiện những cơ hội để giải quyết những căng thẳng ngoại giao, nhất là sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Tuy nhiên, cơ hội đã không được nắm bắt mà vấn đề còn trở nên phức tạp hơn, nhất là từ khi ông Trump ký lệnh trừng phạt Nga (2/8). Moscow đã ra lệnh cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, xuống còn 455 người tương ứng với số lượng nhân viên trong cơ quan ngoại giao Nga tại Mỹ.

Việc tạm đình chỉ cấp thị thực Mỹ cho công dân Nga được Đại sứ Mỹ tại Moscow John Tefft giải thích rằng, không phải là nhằm trả đũa quyết định của Bộ Ngoại giao Nga mà chỉ là hệ quả của quyết định giảm nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga mà thôi.

Theo giới nghiên cứu, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của hệ thống XHCN Liên Xô - Đông Âu. Kế đó là việc Mỹ triển khai chiến lược toàn cầu mới như: “Đông tiến” của NATO do Mỹ cầm đầu; “Đại Trung Đông mới”; và “xoay trục” về CA-TBD…

Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, nhất là các cuộc chiến do Mỹ khởi xướng không mấy thành công như Mỹ mong đợi, nước Mỹ suy giảm tiềm lực, khiến Tổng thống Obama năm 2010, buộc phải tuyên bố thừa nhận thế giới là “đa cực”, nhưng Mỹ vẫn sẽ giữ vai trò lãnh đạo.

Trải qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama đã đưa ra một chủ thuyết mang tên “chủ nghĩa Obama”. Theo đó, Nga được xác định là kẻ thù của Mỹ, ngang hàng với IS, Triều Tiên… Giờ đây, giới quân sự trong Quốc hội Mỹ vẫn đi theo hướng này thể hiện trong Dự luật chống Nga.

Và hệ lụy khó lường…

Dự luật chống Nga đã được thông qua với đa số phiếu tuyệt đối, với 419/3 tại Hạ viện ngày 25/7 và 98/2 tại Thượng viện ngày 27/7. Mặc dù không muốn làm xấu hơn tình trạng quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng Tổng thống Trump đã buộc phải ký ban hành luật và áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ ký ban hành luật trừng phạt, Thủ tướng Nga D. Medvedev đã đăng tải một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân đánh giá hành động của Chính phủ Mỹ thể hiện sự “yếu thế” trước Quốc hội và triệt tiêu hy vọng cải thiện quan hệ giữa Chính phủ hai nước. Ông cho rằng lệnh trừng phạt chính là lời “tuyên chiến” với Nga về mặt kinh tế.

Tổng thống Nga V. Putin cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã đợi một thời gian dài và hy vọng tình hình sẽ cải thiện, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đánh giá tình hình hiện tại, ông Putin cho rằng, cánh cửa cải thiện quan hệ hai nước đã bị Mỹ khép lại và Washington đã tiến hành chiến tranh thương mạ toàn diện đối với Nga.

Những động thái trên của Washington và Moscow, mặc dù không phải là các sự cố ngoại giao quá nghiêm trọng, nhưng các nhà phân tích đánh giá là những bước đi làm gia tăng căng thẳng và có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang suy giảm giữa hai nước cùng là thành viên quan trọng của Hội đồng Bảo an, LHQ.

Ông Trump thừa nhận rằng: “Mối quan hệ với Nga đang ở mức rất nguy hiểm và thấp nhất mọi thời đại. Còn CNN thì cho rằng, tình hình nguy hiểm xấu thêm còn vì Nhà Trắng thiếu một cách tiếp cận rõ ràng với Nga và họ đã không thể kiểm soát được chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, Nga có quyền tung các biện pháp trả đũa trên cơ sở có đi có lại.

Như vậy, với những đòn trừng phạt, trả đũa lẫn nhau, phản ánh cuộc đấu tranh chiến lược rất quyết liệt giữa hai cường quốc. Mỹ kiên định chiến lược “Đông tiến” nhằm đưa không gian NATO tiến sát biên giới Nga, còn Nga lại kiên định chiến lược “Chim ưng hai đầu” và khẳng định vị thế cường quốc của mình trong một thế giới đa cực hóa.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, mâu thuẫn giữa hai cường quốc Mỹ - Nga hiện nay, khiến cộng đồng quốc tế không chỉ mất đi lợi thế về chống khủng bố IS, giải quyết những điểm nóng (Trung Đông, Đông Bắc Á, và Biển Đông…) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm an ninh và thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu trong thời gian tới./.

 

Nguồn: vov.vn

Các tin khác