(Congannghean.vn)-Năm 2014, bức tranh toàn cảnh thế giới tiếp tục có biến động lớn. Mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển là dòng chảy chính, nhưng xung đột vũ trang, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố, ly khai, cạnh tranh địa chiến lược, tranh chấp biển, đảo vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh, hòa bình của thế giới.
Người dân Cuba vui mừng trước sự kiện Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ |
1. Khép lại năm 2014, một sự kiện thế giới được xem là bước ngoặt về chính trị, đó là việc Mỹ và Cuba đã bình thường hóa quan hệ sau hơn 5 thập kỷ cấm vận.
Sự kiện ngày 17/12, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước đã khiến cho cả thế giới hân hoan. 53 năm trước, tức bắt đầu từ năm 1960, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba và 2 nước không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1961. Mối quan hệ Mỹ - Cuba là một trong những mối quan hệ phức tạp trong lịch sử thế giới với hơn nửa thế kỷ đầy sóng gió, thăng trầm.
Sự trừng phạt qua 11 đời tổng thống Mỹ khiến kinh tế Cuba thiệt hại hơn 1.100 tỉ USD. Từ thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “một chương mới” đã được mở ra trong quan hệ giữa nước này với Cuba, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời” vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương.
2. Năm 2014 được cho là năm của thảm họa ngành hàng không thế giới, khi có gần 20 vụ máy bay rơi, làm 1.000 người thiệt mạng. Thảm họa ngành hàng không được mở đầu vào ngày 8/3, khi chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines hành trình Kuala Lumpur - Bắc Kinh, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đột nhiên mất tích.
Sau hàng loạt các cuộc tìm kiếm quy mô lớn, cho đến nay, sự biến mất của chiếc máy bay MH370 vẫn đang là một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Tiếp đó, cũng hãng hàng không của đất nước này, vào ngày 17/7, một máy bay khác là MH17 khi đang trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia) thì bị bắn rơi trên không phận đang diễn ra chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông, khiến 298 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, thêm 2 vụ rơi máy bay chấn động khác cũng xảy ra trong tháng 7/2014 tại Đài Loan và Mali, cướp đi sinh mạng của gần 200 hành khách.
3. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến cho tình hình an ninh thế giới năm 2014 có nhiều biến động. Một nhóm khủng bố được cho là chi nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda, vào tháng 4/2013 đã tuyên bố thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), tiến hành các hoạt động bắt cóc, tống tiền và buôn bán dầu mỏ, ma túy.
Hai tháng sau đó, nhóm này đã trỗi dậy, bành trướng mạnh mẽ bằng cách tấn công, chiếm đóng nhiều khu vực tại Iraq, nắm quyền kiểm soát ở Syria và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS), tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo. Từ đó đến nay, IS thực hiện các cuộc bắt cóc, hành quyết dã man, bị cả thế giới lên án. Chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện một chiến dịch không kích vào các mục tiêu khủng bố ở Iraq và Syria từ tháng 8 đến nay. Ngoài ra, Mỹ còn thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia.
4. Leo thang căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông đánh dấu an ninh khu vực một năm có thêm nhiều biến động căng thẳng. Trong khi tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư chưa đi đến hồi kết, thì vào tháng 5/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu tuần tra và tàu chiến vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam trái phép.
Sự kiện này buộc Việt Nam phải có động thái để ngăn chặn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình và buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan về nước vào ngày 15/7, sớm hơn một tháng so với dự kiến. Tình hình căng thẳng trên biển Đông đã được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ... cũng bày tỏ quan ngại và chỉ trích hành vi gây bất ổn an ninh khu vực của Trung Quốc.
5. Nga sáp nhập bán đảo Crime và khủng hoảng Ukraine là hai sự kiện quốc tế đã khiến bình diện thế giới có nhiều thay đổi. Sau cuộc khủng hoảng và xung đột giữa những người ủng hộ và phản đối Nga trên bán đảo Crime diễn ra vào hồi cuối tháng 2/2014, một cuộc trưng cầu dân ý ngay sau đó đã được tổ chức và kết quả là gần 97% cư dân Cireme đã ủng hộ việc bán đảo này tách khỏi Ukraine để về với Nga. Ngày 18/3, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crime vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Sự kiện này ngay lập tức đã nhận được sự phản đối, lên án kịch liệt từ Mỹ và các nước phương Tây, một lệnh cấm vận, trừng phạt về kinh tế đối với Nga cũng đã được áp dụng. Sự kiện Nga sáp nhập Crime diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang diễn ra, vô hình chung làm cho tình hình của đất nước này càng chìm vào bóng tối. Cũng trong tháng 2, cựu Tổng thống Yanuovych bị phế truất, vùng Đông Ukraine đơn phương tuyên bố thành lập các nhà nước cộng hòa ly khai, dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu trong khu vực giữa quân đội Kiev và các lực lượng ly khai địa phương. Năm 2014, đã có khoảng 4.300 người thiệt mạng vì bạo lực ở Ukraine.
6. Đại dịch Ebola khởi phát từ cuối năm 2013 tại một quốc gia Tây Phi là Guinea, dịch Ebola đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trong khu vực như Nigeria, Mali, Liberia và Sierra. Sau hơn một năm hoành hành, cả thế giới đã có khoảng 18.000 người bị nhiễm virus Ebola, gần 7.000 trong số đó đã tử vong vì căn bệnh này. Đến nay, vẫn chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh Ebola thì đại dịch này đã lan sang Mỹ và một số nước phương Tây, khiến cho căn bệnh này trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.
7. Hơn 79 ngày biểu tình với quy mô lớn đòi dân chủ tại Hồng Kông, do thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi Joshua Wong cầm đầu, mặc dù không đạt được kết quả như mong muốn, song cuộc biểu tình này đã được dư luận thế giới đánh giá cao trong khâu tổ chức. Xuất phát từ bất mãn với sự phân hóa giàu nghèo và khao khát hiện thực hóa lý tưởng là lý do sâu xa, phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông bắt đầu ngày 22/9 và đã phải chấm dứt vào ngày 12/12, khi chính quyền huy động hơn 3.000 cảnh sát để vãn hồi trật tự, bắt giữ 250 người liên quan.
8. Xung đột tại dải Gaza tiếp tục leo thang trong năm 2014. Căng thẳng giữa Israel và tổ chức Hamas ở Palestine vẫn chưa có hồi kết khi chiến sự tại vùng Gaza liên tục diễn ra. Đặc biệt, kể từ hồi tháng 7, quân đội Israel mở chiến dịch không kích dữ dội dải Gaza trong khi đó, lực lượng Hamas cũng liên tiếp bắn tên lửa sang Israel để đáp trả. Các cuộc không kích đẫm máu trên của quân đội Israel đã khiến hơn 2.100 người đa số là dân thường thiệt mạng, trong đó có tới gần 500 trẻ em, 520.000 người dân vô tội đã mất nhà cửa trong cuộc xung đột đẫm máu này.
9. Chính trường Thái Lan năm 2014 đánh dấu cuộc đảo chính thứ 19 của quân đội Thái Lan kể từ cuộc cách mạng năm 1932. Cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 22/5, do Tổng Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha chỉ huy và ông này được Quốc vương Thái Lan chính thức chỉ định để điều hành quốc gia. Tình hình chính trị của đất nước Chùa Vàng tiếp tục lún sâu vào bê bối, khi 7 nghi can trong gia đình bên vợ của Thái tử là Vương phi Srirasmi Akharaphongpreecha có dính líu vụ bê bối tham nhũng và bị đưa ra để điều tra. Thái tử Vajiralongkorn cũng đã tước bỏ quốc hiệu hoàng gia của gia đình vợ.
10. Bên cạnh những sự kiện, diễn biến phức tạp, bất ổn về an ninh đáng quan ngại, năm 2014, tình hình thế giới cũng có nhiều “điểm sáng” tích cực. Sự hội nhập, hợp tác khu vực, liên khu vực và quốc tế diễn ra sôi động với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau. Nổi bật là, để đạt mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2015, ASEAN sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ hợp tác khu vực, liên khu vực, thông qua các kênh đối thoại đa phương, từ đó hứa hẹn năm 2015 sẽ là một thời kỳ “trong ấm, ngoài êm” của an ninh thế giới.
.