Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương chậm nhất tháng 6/2015 phải xây dựng, ban hành phương án cụ thể ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo kết quả ban đầu về phân vùng bão, trong thời gian tới, bão có thể xảy ra tại các vùng đều mạnh hơn các số liệu đã ghi nhận được khoảng từ 1 đến 2 cấp, tại vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định có thể sẽ xảy ra siêu bão, tại các tỉnh từ Phú Yên đến Cà Mau có thể xảy ra bão rất mạnh, nước biển dâng kết hợp thủy triều cao từ 3m đến trên 6,2m.
Nâng cao năng lực phòng chống
Để chủ động ứng phó với tình huống xảy ra bão rất mạnh và siêu bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương, các cơ quan thông tin địa chúng và các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để từng người dân, từng cơ quan, tổ chức phải nhận thức được và chủ động có kế hoạch, biện pháp để tự đảm bảo an toàn, tự lo cho mình trước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, cập nhật để xác định rõ hơn, với mức độ tin cậy cao hơn về phân vùng bão, mức nước biển dâng trong bão nhằm đưa ra các công bố ngày càng đầy đủ hơn làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực dự báo, đẩy mạnh triển khai chủ trương xã hội hóa để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống quan trắc nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, cập nhật bản đồ cảnh báo ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng do bão, nhất là trong tình huống xảy ra bão rất mạnh, siêu bão để cung cấp kịp thời cho các địa phương làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó.
Chủ động ứng phó
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bổ sung để chủ động ứng phó với tình huống bão rất mạnh, siêu bão. Chậm nhất tháng 6/2015, tất cả các địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương phải xây dựng, ban hành phương án cụ thể ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão, trong đó cần xác định cụ thể những khu vực nguy hiểm, số hộ dân, số người dân cần phải sơ tán trong tình huống bão rất mạnh, siêu bão, địa điểm sơ tán đến.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng để ứng phó; rà soát lại toàn bộ các trang thiết bị, phương án cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão.
Các bộ, ngành chủ động rà soát lại quy hoạch ngành của mình, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch của bộ, ngành để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là trong tình huống bão rất mạnh, siêu bão.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện cần thiết để chủ động ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão có hiệu quả.
.