Tin tức sự kiện

Vụ máy bay MH-17 rơi: Vội vã một cách từ từ

08:15, 22/07/2014 (GMT+7)
Vụ việc chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH-17 của hàng không Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17/7 đã dẫn đến những cáo buộc lẫn nhau giữa các bên liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukaine, trong khi nguyên nhân máy bay rơi vẫn chưa được làm sáng tỏ.
 
Cách đây 5 ngày, chuyến bay số hiệu MH-17 của Malaysia Airlines chở 298 người trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) về thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã bị rơi gần gần làng Hrabovo, huyện Shakhtersk thuộc tỉnh Donetsk của Ukraine, cách biên giới với Nga 52km.
 
Nguyên nhân máy bay gặp nạn đang được dư luận quốc tế quan tâm với nhiều thông tin khác nhau.
"Vội vã" đổ lỗi
 
Ngay sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện được nhắc đến nhiều là nguyên nhân của tai nạn và dường như, có xu hướng các bên đổ lỗi cho nhau trong khi quá trình điều tra, xác định rõ “thủ phạm” khiến máy bay rơi diễn ra khá chậm.
 
2 ngày sau thảm họa, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố máy bay này rơi sau khi trúng tên lửa phóng đi từ thành phố Snheznoe, thuộc tỉnh miền Đông Donetsk.
 
Phát biểu với báo giới ngày 19/7 tại thủ đô Kiev, người đứng đầu Ban Phản gián SBU, ông Vitaly Naida cho biết cơ quan này hầu như chắc chắn đã xác định được địa điểm phóng các tên lửa bắn trúng máy bay chở khách của Malaysia nói trên. Ông nêu rõ kết quả điều tra ban đầu cho thấy tên lửa được bắn đi từ khu vực thành phố Snheznoe, do những đối tượng ủng hộ liên bang hóa kiểm soát. Hiện chính quyền Kiev đang nỗ lực tới điểm phóng tên lửa để thu thập chứng cứ, song đây là việc không dễ dàng vì tại đây có các hoạt động quân sự.
 
Trước đó, Bộ Nội vụ Ukraine cho rằng máy bay MH-17 có thể đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa đất đối không Buk. 
 
Hãng tin Kyodo Nhật Bản, ngày 19/7 cũng dẫn lời Tổng thống Ukraine Poroshenko, rằng ông có trong tay những bức ảnh vệ tinh chụp hiện trường khi lực lượng ly khai phóng tên lửa đất đối không vào máy bay MH-17 và bức ảnh, video clip đăng tải hình ảnh tên lửa được chuẩn bị từ Nga.
 
Trước đó, hôm 17/7, SBU công bố các băng ghi âm những cuộc thoại mà cơ quan này cho là liên quan đến phiến quân và một sĩ quan tình báo quân đội Nga, trong đó các tay súng ly khai thừa nhận đã bắn chiếc máy bay MH-17 sau khi nghĩ đó là một máy bay dân sự.
 
Trong một động thái mới nhất, ngày 20/7, Đại Sứ quán Mỹ tại Kiev khẳng định những cuộc thoại được cho là đã bị chặn và do SBU công bố, trong đó các phiến quân thân Nga thảo luận về việc họ bắn hạ chiếc máy bay MH17, là xác thực.
 
Chính phủ Ukraine cũng cáo buộc quân ly khai đã phá hủy bằng chứng tại hiện trường máy bay MH-17 rơi. Theo thông tin của chính phủ Ukraine, lực lượng ly khai đã di chuyển 38 thi thể nạn nhân đến nhà xác ở Donetsk.
 
Nhanh chóng đáp trả
 
Trước những cáo buộc của phía chính quyền Kiev, Thủ tướng tự xưng của nước Cộng hòa Donetsk Aleksander Borodai nói: "Rõ ràng chiếc máy bay này bị bắn rơi. Chúng tôi không có vũ khí để bắn hạ một chiếc máy bay bay ở độ cao 10.600m… Chúng tôi chỉ có loại vũ khí tối đa bắn hạ máy bay ở độ cao 3.000m. Chính bởi vì điều này, lực lượng không quân Ukraine thường bay ở độ cao lớn sau đó thả bom vào các khu vực dân cư chỗ chúng tôi”.
 
Lãnh đạo của lực lượng ly khai cũng phủ nhận hoàn toàn và tuyên bố rằng, họ không hề động chạm gì tới hiện trường vụ tai nạn, họ chỉ tìm kiếm những thi thể nạn nhân. Theo ông A.Borodai, các tay súng dân quân không vào khu vực máy bay rơi, đồng thời tuyên bố chưa có cuộc đàm phán nào về thành lập vùng an ninh tại đây như các hãng nước ngoài đưa tin trước đó.
 
Hôm 19/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cáo buộc chính quyền Ukraine đã không hành động khi Ủy ban điều tra quốc tế được thành lập để điều tra nguyên nhân của thảm họa này. Theo ông, thay vì dùng thảm họa này để chỉ trích lẫn nhau một cách vô lối, thì nên khởi động lại sự hợp tác để tránh các thảm họa tương tự trong tương lai. 
 
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã so sánh kết luận vội vã của Mỹ về nguyên nhân vụ rơi máy bay mang số hiệu MH-17 của Malaysia Airlines chẳng khác gì với tuyên bố của Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt cách đây nhiều năm.
 
Đài Tiếng nói Nước Nga dẫn lời Giám đốc Trung tâm các điều tra ghi âm Forenex, ông German Zubov nói rằng, các mẩu ghi âm rời rạc cuộc đối thoại của người khác được tung lên Internet có thể không bị làm giả, nhưng chắc chắn chưa là bản ghi âm đầy đủ cuộc thoại của các dân quân. 
 
"Ì ạch" điều tra nguyên nhân
 
Trong khi đó, quá trình điều tra diễn ra khá chậm. Chính quyền Kiev và lực lượng phản đối chính phủ ở miền Đông Ukraine tiếp tục đổ lỗi lẫn nhau làm chậm quá trình điều tra. 
 
Tổng thống Ukraine P.Poroshenko cáo buộc các lực lượng chống đối ở miền Đông cản trở quan sát viên OSCE tiếp cận hiện trường. Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng ly khai A. Borodai lại cho biết, đã lập Ủy ban điều phối hoạt động điều tra, nhưng Kiev vẫn duy trì chiến dịch quân sự và không ký thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế tới hiện trường. 
 
Có ý kiến chuyên gia nhận định, khi xảy ra thảm họa hàng không, người ta luôn cố gắng tìm ra trách nhiệm của một bên nào đó để không tiếp diễn những vụ việc như vậy, song trái với công tác cứu hộ cũng như điều tra một cách khẩn trương, sự bình tĩnh và thận trọng là cần thiết hơn cả khi quy trách nhiệm cho bất kỳ một bên nào.
 
Vụ rơi máy bay MH-17 có thể xem như một “giọt nước làm tràn ly” với 2 phe trong chiến sự tại miền Đông Ukraine. Việc quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia không hướng nhiều tới vấn đề hàng không mà hướng về những mục đích chính trị sau đó. Có thể cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ có những chuyển biến mới rất khó lường.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác