Tin tức sự kiện

Máy bay Malaysia rơi: Làm nóng chiến sự?

08:34, 19/07/2014 (GMT+7)
Máy bay Malaysia rơi có thể khiến xung đột tại Ukraine đổi chiều hay không là điều mà nhiều nhà phân tích quốc tế đang tranh cãi trong khi các bên xung đột đổ lỗi cho nhau về vụ việc này.
 
Theo Christian Science Monitor (CSM), việc một máy bay thương mại của Malaysia trúng tên lửa trong khu vực do lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine kiểm soát có thể được coi là bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng tại đây.
 
Tuy nhiên, việc đổ lỗi cho ai đó cũng như xác định hậu quả của hành động này sẽ phải chờ đợi cho đến khi xác định rõ ai là thủ phạm bắn rơi máy bay MH17.
 
Ngay cả khi xác định rõ được bên nào phải chịu trách nhiệm trong việc này, thì cũng khó có khả năng vụ việc trên có thể dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng hơn là một sai lầm đáng tiếc diễn ra tại một khu vực đang leo thang căng thẳng, ông Michael Desch, một chuyên gia về an ninh quốc tế và chính sách ngoại giao của Mỹ tại Đại học Notre Dame bang Indiana cho biết. Điều này sẽ dập tan mọi quyết tâm hành động của các bên liên quan.
 
Ông Desch cũng cho biết những vụ bắn hạ máy bay “do nhầm lẫn trước đây” – kể cả việc máy bay chiến đấu của Nga bắn rơi một máy bay thương mại của Hàn Quốc đang chở một Nghị sỹ Quốc hội Mỹ trên đó vào năm 1983 và vụ máy bay chiến đấu F-14 của Mỹ bắn hạ máy bay dân sự của Iran năm 1988, cũng hầu như không để lại hậu quả gì quá lớn.
 
Chính quyền Ukraine, vốn có một vài máy bay quân sự bị lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine bắn hạ trong vòng vài tuần qua”, đã nhanh chóng gọi vụ tấn công máy bay Malaysia này là một hành động khủng bố và cho rằng lực lượng ly khai đã tiến hành việc này.
 
Tuy nhiên, lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine cũng đã nhanh chóng phủ nhận trách nhiệm của vụ tấn công nói trên mặc dù trên mạng xã hội đã xuất hiện một số thông tin (chưa được kiểm chứng) rằng lực lượng ly khai đang sở hữu những hệ thống chống máy bay phức tạp do Nga chế tạo có khả năng triệt hạ máy bay Malaysia.
 
Những nỗ lực để điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay có thể sẽ bị cản trở bởi khu vực này nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng ly khai dù Mỹ đã gửi lời đề nghị đến Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng nước này sẽ cử các nhân viên điều tra đến địa điểm rơi máy bay.
 
Tổng thống Nga Putin ngày 17/7 cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm vụ rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia, với 298 người trên khoang, ở miền Đông nước này.
 
“Không còn nghi ngờ gì. Đất nước nơi thảm họa khủng khiếp này xảy ra phải gánh chịu trách nhiệm”, hãng tin Ria Novosti dẫn lời Tổng thống Putin cho hay.
 
“Thảm họa này sẽ không xảy ra nếu có hòa bình ở nước đó, nếu hoạt động quân sự không được nối lại tại đông nam Ukraine”, ông cho biết thêm.
 
Tổng thống Nga Putin sau đó đã lệnh cho giới chức quân sự “cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để làm sáng tỏ hành động tội phạm này”.
 
Giới chức Mỹ “tin chắc” máy bay Malaysia bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không, nhưng chưa rõ ai là “thủ phạm”.
 
Lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhanh chóng kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đối với thảm họa.
 
Tìm thấy 2 hộp đen
 
Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy hộp đen thứ 2 tại hiện trường vụ tai nạn của chuyến bay MH17 ở miền Đông Ukraine, sau khi hộp đen thứ nhất được tìm thấy hôm qua.
 
Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), quân nổi dậy Ukraine cho biết họ sẽ bảo đảm cho các chuyên gia quốc tế tiến cập hiện trường một cách an toàn.
 
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, tổ chức này cho biết “một nhóm liên lạc” của đại diện cấp cao từ Ukraine, Nga và OSCE đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với phe ly khai.
 
Chính quyền Kiev tố cáo các phần tử ly khai đã ngăn cản quan chức Ukraine vào hiện trường máy bay Malaysia rơi. Sáng 18/7, thợ mỏ tham gia cũng cùng cảnh sát, nhân viên cứu hộ trong hoạt động tìm kiếm nạn nhân.
 
Một số nguồn tin cho biết phe ly khai đã chuyển hộp đen tìm thấy tới Moscow để điều tra nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
 
Phe ly khai đang kiểm soát khu vực đã cam kết sẽ cho các nhân viên điều tra quốc tế tiếp cận hiện trường để điều tra vụ tai nạn.
 
Có 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu trên MH17
 
Khoảng 100 người trong số các nạn nhân tử nạn trong vụ tai nạn máy của hãng hàng không Malaysia Airlines ở Ukraine là các chuyên gia, nhà nghiên cứu y tế đến Australia để tham dự Hội nghị Phòng chống AIDS toàn cầu.
 
Các băng-rôn, biểu ngữ ở Australia và trang tin Sydney Morning Herald đều cho hay có khoảng hơn 1/3 trong số gần 300 nạn nhân tử nạn trong vụ rơi máy bay là các nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế và các nhà hoạt động trong lĩnh vực phòng chống AIDS. Điểm đến của họ là thành phố Melbourne (Australia).
 
Cũng theo trang tin Herald, những người đã tham dự cuộc họp dự bị ở Sydney được thông báo rằng có khoảng 100 đồng nghiệp của họ trên chiếc máy bay bị tai nạn, trong đó có cả cựu Chủ tịch Tổ chức Phòng chống AIDS Quốc tế Joep Lange.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác