THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Đại tướng Tô Lâm: Công an xã xử lý 60% tin báo tố giác tội phạm, nếu không được phân cấp sẽ rất khó khăn
Toàn cảnh phiên thảo luận. |
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) bày tỏ tán thành với tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS, vì thực chất đây là việc nội luật hóa Hiệp định CTPPP, một lộ trình mà Quốc hội khóa XIV đã đưa ra. Đồng thời cập nhật thêm một số luật đã ban hành, chẳng hạn vai trò của Công an xã trong xử lý tin báo tố giác tội phạm. Đại biểu đề nghị, về tình huống bất khả kháng xảy ra thì xử lý đơn thư tố giác tội phạm và quá trình điều tra, Luật có thể định nghĩa, quy định luôn, không cần thiết có văn bản hướng dẫn.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS và trao thêm thẩm quyền của Công an xã trong tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm là rất cần thiết, vì hiện nay chúng ta đã đưa Công an chính quy về hết các xã. "Sau khi Kon Tum là tỉnh đầu tiên thí điểm, hiện toàn quốc đã triển khai, việc này sẽ giúp xử lý kịp thời công tác ban đầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm", đại biểu nói.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng Công an chính quy đưa về xã mỏng, trao thêm chức năng này anh em sẽ vất vả, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần quan tâm tăng cường số lượng cán bộ Công an xã, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa để lực lượng Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phát biểu thảo luận tại tổ, theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, xã, phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô Công an phường, thị trấn rất lớn.
"Quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường nhiều. Như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những xã đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số. Nếu chúng ta không tổ chức việc này thì dân chưa bao giờ được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về an ninh, trật tự, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện thì càng xa... Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng" - Bộ trưởng lý giải.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, gần 02 năm qua Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 Công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 Công an chính quy/xã. Có xã 05 người, có xã 07-08 người; cũng có xã thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cán bộ Công an đến 50 người, vì xã đó có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác, có 2.000 khách sạn. Nếu Công an xã chính quy chỉ 05 người thì không đảm bảo công việc.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ. |
Trong số cán bộ Công an chính quy, trên 50% có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự. Vừa qua Bộ tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới, đây là nơi mà những vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp. "Thực tế, từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, Công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Nếu không phân cấp cho xã rất khó khăn, bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác" - Bộ trưởng viện dẫn.
Trung bình một năm, 01 đồng chí Công an xã chính quy tiếp nhận 0,84% tố giác, tin báo tội phạm; Công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%. Bộ trưởng khẳng định, khi sắp xếp lại, đưa cán bộ tăng cường xuống xã thì Bộ Công an không tăng biên chế mà chỉ tính toán trong nội bộ...
Về cơ sở vật chất, Bộ Công an sẽ phối hợp với các địa phương để đảm bảo đội ngũ Công an xã được chăm lo, định hướng, phân công, phân cấp đảm nhiệm những công việc ở xã một cách tốt nhất...
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, một số đại biểu khẳng định hiện tại chúng ta có kho cơ sở dữ liệu khổng lồ là nhờ Bộ Công an. Cơ quan thống kê có thể tận dụng được rất nhiều từ cơ sở dữ liệu này, không cần thống kê, rà soát chọn mẫu thủ công như trước nữa. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, công tác thống kê rất có ý nghĩa trong lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá tình hình chung. Dữ liệu là nguồn tài nguyên quốc gia, trong quá trình tổng hợp, xử lý bằng công nghệ số thì việc bảo vệ bí mật trên nền tảng này phức tạp hơn nhiều so với việc bảo vệ bằng giấy tờ trước đây.
Xác định điều đó, Bộ Công an có nguyên lý rất quan trọng là "sống, sạch, đủ, đúng" đối với dữ liệu. Tuy nhiên, thống kê hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu "sống", thống kê xong lạc hậu ngay, chưa được cập nhật so với diễn biến tình hình, thì con số cho ra rất tương đối. Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu thực tế do dữ liệu chưa "sạch" nên vừa qua Bộ Công an không thể kết nối với một số bộ, ngành. Do đó, Bộ đề nghị các đơn vị làm "sạch" dữ liệu để tiến tới liên thông, kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, tạo thuận tiện cho người dân...
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an