THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ

Chương trình hành động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2030

14:14, 14/10/2021 (GMT+7)
Thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; với mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, bảo đảm tính mạng và sức khỏe trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội, Bộ Công an đã xây dựng Chương trình hành động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2030.

    Mục tiêu của Chương trình hành động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi cán  bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân chung tay góp sức với toàn xã hội phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em như tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã, cháy, bỏng; động vật cắn và trẻ em tự tử.

    Chương trình hành động thông qua các hoạt động thiết thực, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, tác động đến nhận thức xã hội, gia đình, phụ huynh, người chăm sóc và trẻ em, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương…

    Trong đó, Chương trình hành động tập trung vào 09 nhiệm vụ trọng tâm:

    1. Chủ động nắm chắc tình hình những tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, thương tích, đuổi nước trẻ em; theo dõi, thống kê, thu thập thông tin, dữ liệu tai nạn, thương tích trẻ em.

    2. Đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh đồ chơi nguy hiểm, văn hóa phẩm độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, nhằm ngăn ngừa các nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến tự tử ở trẻ em. Phát hiện sớm, ngăn chặn các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến tai nạn của trẻ em trong việc làm theo các clip trên mạng Internet; điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải các clip không đúng quy định của pháp luật. 

    3. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; phòng cháy, chữa cháy; quản lý vũ khí, vật liệu cháy, nổ, pháo và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội; đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến trẻ em. 

    4. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông; tham mưu Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích nhất là phòng, chống đuối nước trẻ em, tai nạn giao thông, tai nạn do bị rơi, ngã từ nhà cao tầng, tai nạn do bỏng, cháy, động vật cắn; đồng thời cảnh báo tình trạng và nguy cơ tự tử ở trẻ em hiện nay. 

    5. Đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; đặc biệt là những mô hình tự quản, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, triển khai nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông" tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước; đến năm 2030 xây dựng nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình phường, xã, xóm làng, khu phố, khu đô thị, chung cư văn hoá an toàn... 

    6. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, trường học để triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tổ chức các cuộc thi, chương trình ngoại khoá, các lớp tập huấn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống đuối nước và phòng tránh các tai nạn, thương tích khác ở trẻ em. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy về an toàn giao thông tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; tiếp tục phối hợp đưa nội dung kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn vào chương trình giảng dạy cho các cấp theo quy định.

    7. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là các kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, tai nạn cháy, nổ, đuối nước, sơ cấp cứu trẻ em bị nạn. 

    8. Định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của Công an các đơn vị, địa phương; đánh giá thực trạng và hiệu quả triển khai Chương trình hành động, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thiết thực, gắn với thực tế trong thời gian tới. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

     

    Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

    Các tin khác