THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ

Công tác dân vận trong Công an Nghệ An

Gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân (bài 2)

10:39, 15/10/2021 (GMT+7)

Bài 1: Nỗ lực “Vì Nhân dân phục vụ”

(Congan.nghean.gov.vn)-Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tư tưởng của Người về dân vận không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình phát triển đất nước, mà đó còn là “kim chỉ nam” của lực lượng Công an Nghệ An trên “mặt trận” đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Bài 2: Lan tỏa nhiều mô hình “dân vận khéo”

Thực tế cho thấy, góp phần vào mỗi thành tích, chiến công và sự lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an Nghệ An nói riêng đều có dấu ấn của Nhân dân. Những dấu ấn, đóng góp đó là kết quả của việc triển khai hiệu quả, toàn diện các nội dung công tác dân vận. Trong đó không thể không nhắc đến những mô hình “dân vận khéo” mà Công an Nghệ An đã dày công xây dựng và nhân rộng.

Trong những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, mô hình dân vận khéo trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Trong đó, phải kể đến các mô hình nổi bật như: “Dân vận khéo” trong công tác tái hòa nhập trên địa bàn thị xã Thái Hòa; mô hình “Tiếp dân niềm nở, hướng dẫn tận tình, ứng xử văn minh” tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an thành phố Vinh; mô hình “Mở đợt vận động tập trung phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu; mô hình “Công tác vận động quần chúng xóa địa bàn phức tạp về ma túy” tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên; mô hình “Cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, văn hóa ứng xử, tận tụy phục vụ Nhân dân” tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh…

“Tổ Covid cộng đồng” phường Cửa Nam, thành phố Vinh tổ chức truy vết các trường hợp liên quan đến ca nhiễm
“Tổ Covid cộng đồng” phường Cửa Nam, thành phố Vinh tổ chức truy vết các trường hợp liên quan đến ca nhiễm

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 35 loại mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và mô hình dân vận khéo hoạt động trên 1.443 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Thực hiện Chỉ thị số 09 ngày 01/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới” giai đoạn 2016 - 2021, Công an Nghệ An đã xây dựng mới 17 loại mô hình, được nhân rộng ra hàng trăm địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị. Trong đó có 07 loại mô hình mới tại địa bàn vùng giáo, đơn cử như các mô hình: Giáo họ bình yên, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Câu lạc bộ cựu chiến binh với công tác đảm bảo an ninh trật tự; Tổ tuần tra nhân dân; Tổ tự quản về an ninh trật tự... Ngoài ra, có 03 loại mô hình mới vùng miền núi, biên giới, dân tộc, được nhân rộng ra 38 địa bàn dân cư; gồm: “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống tội phạm mua bán người”; “Tuyên truyền vận động phòng chống truyền đạo trái phép, phòng chống di dịch cư trái phép”; “Liên gia tự quản về an ninh trật tự”. Còn tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhiều mô hình cũng đã phát huy hiệu quả tích cực như: “Cụm liên kết đảm bảo an ninh trật tự khu công nghiệp Nam Cấm” tại huyện Nghi Lộc, “Sinh viên tự quản” tại Trường Đại học Vinh; “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải, tự tố giác tội phạm” tại Ban quản lý khu du tích Kim Liên (huyện Nam Đàn).

Kết quả đáng ghi nhận là giai đoạn 2016 - 2021, đã có 08 mô hình dân vận khéo trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh được Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc. Đặc biệt, năm 2020, mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tái hoà nhập cộng đồng tại thị xã Thái Hoà đã được Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng ra toàn quốc. Đây là mô hình thể hiện sự đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của lực lượng Công an. “Dân vận khéo” không chỉ là việc vận động người dân chung sức đồng lòng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự mà còn phải lôi kéo cho được những người có quá khứ “lầm đường lạc lối” xóa bỏ mặc cảm, tự ti, trở về với cuộc sống và là tấm gương để nhiều người trong xã hội noi theo. Quá trình triển khai mô hình, Công an thị xã đã trực tiếp gặp gỡ các đối tượng đặc xá trở về địa phương; từ đó phối hợp với các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện để họ tiếp cận với các nguồn vốn vay. Đồng thời, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hướng dẫn họ cách thức sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Mô hình đã phát huy tính hiệu quả và nhân văn, mở rộng “lối về” cho những người từng lầm lỡ như anh Lê Ngọc Dũng ở phường Long Sơn - chủ xe tải tư nhân, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân; anh Sầm Thanh Tùng ở xã Nghĩa Tiến - Chi hội trưởng Hội nông dân xóm 4; anh Hà Văn Nam ở xã Tây Hiếu - chủ xưởng mộc...

Giải ngân vốn vay ưu đãi cho những đối tượng tái hòa nhập cộng đồng đầu tiên của thị xã Thái Hòa
Giải ngân vốn vay ưu đãi cho những đối tượng tái hòa nhập cộng đồng đầu tiên của thị xã Thái Hòa

Trên thực tế, sự khéo léo và bền bỉ là các yếu tố quan trọng quyết định thành công của công tác dân vận. Minh chứng cho điều đó là mô hình “Dân vận khéo” trong đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào có đạo trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Đơn cử như trong công tác tham mưu xử lý các vụ việc nổi lên về an ninh trật tự, Công an huyện Hưng Nguyên đã kiên trì vận động tập trung, vận động cá biệt từng hộ dân. Đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, giải quyết ngay các kiến nghị chính đáng của người dân; qua đó kịp thời giải quyết ổn định nhiều vụ việc, không để phát sinh “điểm nóng”, phức tạp. Ngoài ra, Công an huyện Hưng Nguyên còn “khéo” tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng đồng bào có đạo. Đến nay, cơ bản các chức sắc, chức việc trên địa bàn ủng hộ, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, các hoạt động của chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, nhiều giáo xứ, giáo họ đã thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc như: Kêu gọi giáo dân tham gia bầu cử Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đợt dịch Covid-19, đã có nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều lượt chức sắc, chức việc ủng hộ tiền và hiện vật để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền chống dịch. Ngoài ra, nhằm tạo môi trường thuận lợi để bà con lương giáo xích lại gần nhau, Công an huyện Hưng Nguyên đã dày công xây dựng các mô hình dân vận khéo, điển hình như “Lương giáo đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự, chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Họ đạo bình yên”, “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, “Thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh trật tự” phát huy hiệu quả thiết thực.

Công an huyện Hưng Nguyên thăm hỏi các nữ tu của Tu viện Trang Nứa (xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên) nhân dịp lễ Noel - Ảnh tư liệu
Công an huyện Hưng Nguyên thăm hỏi các nữ tu của Tu viện Trang Nứa (xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên) nhân dịp lễ Noel - Ảnh tư liệu

Trên thực tế, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các mô hình dân vận được lực lượng Công an tham mưu xây dựng và nhân rộng nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Điển hình như, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, Công an Nghệ An đã tham mưu cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp xây dựng, phát động các mô hình tự quản, tự phòng, chống dịch Covid-19 trong Nhân dân. Trong đó, nổi bật là mô hình “Tổ Covid cộng đồng”. Hoạt động của hơn 7.000  tổ Covid cộng đồng với 55.000 thành viên tham gia thực sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, truy vết, giám sát, phát hiện những vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Có thể khẳng định, công tác dân vận thời gian qua đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là thói quen, việc làm tự thân của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an Nghệ An. Những con số, dẫn chứng cụ thể kể trên là minh chứng cho thấy hiệu quả to lớn của công tác dân vận mà Công an Nghệ An đã triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai các nội dung công tác dân vận vẫn còn một số hạn chế cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để tháo gỡ và tìm hướng khắc phục. Đơn cử như, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc chưa kịp thời. Việc triển khai công tác dân vận, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có nơi chưa rộng khắp, nhất là địa bàn vùng giáo, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, các mô hình, điển hình dân vận khéo phát triển chưa nhiều, chưa toàn diện; công tác nhân rộng mô hình tại một số đơn vị, địa phương còn chậm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận còn mỏng; khả năng, trình độ dân vận của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ít được tập huấn chuyên sâu. Từ những tồn tại, hạn chế kể trên, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Qua đó, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, có chế độ, chính sách, ưu đãi thỏa đáng...

Thực tế đã chứng minh, nhờ bám sát phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với Nhân dân”, “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận của Công an Nghệ An thời gian qua đã góp phần quan trọng giữ “an lòng dân, yên địa bàn”, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Công an Nghệ An cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.

Bài 1: Nỗ lực “Vì Nhân dân phục vụ”

Ngọc Anh - Hồng Hạnh

Các tin khác