Giữa sự cố gây bức xúc dư luận, pháo sáng mù mịt sân Hàng Đẫy khiến CĐV đổ máu phải đi cấp cứu thì VFF và VPF lại không mạnh dạn dứt điểm, cứ chuyền qua đá lại cho nhau...
1. Chắc chắn những cá nhân có liên quan đến sự cố pháo sáng gây thương tích cho một nữ CĐV Hà Nội trên sân Hàng Đẫy vào tối 11/9 sẽ được đưa ra ánh sáng và xử lý về mặt pháp luật.
Và tất nhiên sân Hàng Đẫy và BTC trận đấu cũng không thể thoát khỏi liên đới khi để cuộc đối đầu giữa đội chủ nhà và CLB Nam Định diễn ra trong sự hỗn loạn, mất an toàn vì pháo sáng, xô xát...
Cùng lúc, hội CĐV Nam Định – những người đã khơi mào cho vết nhơ của giải đấu cũng sẽ đối mặt với chế tài kỷ luật từ phía BTC giải, thay vì đẩy hết án sang cho đội chủ nhà như mọi lần trước đây.
Để xảy ra sự cố, BTC sân Hàng Đẫy, những cá nhân có liên quan sẽ bị xử lý đích đáng... |
2. Ít giờ sau khi sự cố trên sân Hàng Đẫy nổ ra, một công văn hoả tốc của VPF đã được rò rỉ trên mạng xã hội. Và nội dung của công văn này, là cảnh báo đồng thời yêu cầu CLB Hà Nội chấn chỉnh bán vé khi mọi thứ đang không đúng với buổi họp trước trận đấu ít ngày.
Và một ngày sau khi sự cố nhơ nhuốc đến từ sân Hàng Đẫy, lần lượt chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú, trưởng ban điều hành V-League Nguyễn Trọng Hoài đã đăng đàn phát biểu và gần như đá hẳn trái bóng cho phía BTC sân, lẫn VFF khi khẳng định chung chung: “Rõ ràng, ban tổ chức trận đấu không hoàn thành nhiệm vụ”.
Lời khẳng định này, cùng với muôn vàn “đường chuyền” khác đầy né tránh trách nhiệm khiến nhiều người nghĩ VPF là công ty làm công việc nào đó liên quan rất ít đến bóng đá, chứ không phải điều hành cả giải đấu V-League suốt nhiều năm qua.
3. Giống như VPF, cơ quan điều hành cao nhất của Việt Nam là VFF cũng rất nhanh chóng nhập cuộc bằng hàng loạt văn bản, công văn, đơn kiến nghị... đến những bên liên quan nhằm sáng tỏ mọi việc.
nhưng để xử lý tận gốc mọi vấn đề, và không để xảy ra hình ảnh như thế này nữa thì VPF và VFF cần sòng phẳng với nhau hơn, thay vì chuyền bóng trách nhiệm cho nhau như đang thấy |
Nội dung của tất cả công văn đều na ná nhau, bày tỏ sự bức xúc và yêu cầu VPF khẩn trương giải quyết hàng loạt vấn đề nhằm không để tái diễn những vết nhơ như ở sân Hàng Đẫy tối 11/9. Nghe có vẻ như hợp lý, quyết tâm đầy trách nhiệm, thế nhưng sự thật lại khác.
Vì tất cả đều chung chung, thậm chí người ta cũng có cảm giác mọi chuyện vừa xảy ra là lỗi từ VPF, của BTC sân Hàng Đẫy, và của CĐV Nam Định mà thôi, còn lại VFF đứng ngoài vô can hoặc có cũng liên đới chút ít chứ không phải nhân vật chính.
Công văn gửi đi đã có đoạn “xử lý nghiêm khắc BTC sân Hàng Đẫy. Có hình thức kỷ nghiêm khắc với tập thể, cá nhân để xảy ra hiện tượng đốt pháo trên” khiến nhiều người phải bật cười vì... quá ngô nghê, bởi đơn giải phía VPF không có thẩm quyền kỷ luật đối với bất cứ cá nhân, CLB nào ở V-League mà phải từ ban kỷ luật phía VFF cơ mà.
Và hơn một ngày sau khi sự cố xảy ra, khi BTC sân Hàng Đẫy đã nhận lỗi, phía Nam Định cũng xin tha thứ... thì VFF và VPF vẫn đá qua chuyền lại như thế mà không thể dứt điểm, hoặc đưa ra được một điều gì mới mẻ, hiệu quả hơn khiến nhiều người chỉ biết lắc đầu.
Lắc đầu không phải VFF hay VPF, bởi cách làm việc kiểu như thế đã là quen thuộc đủ để tất cả “chán chẳng muốn nói” nữa. Mà lắc đầu ở đây vì ngán ngẩm khi nghĩ đến những vết nhơ kế tiếp có thể xảy ra ở bất cứ sân bóng, trận đấu nào trong tương lai.
Vậy mới nói, VFF và VPF cần dứt điểm đi đừng tiqui-taca nữa!