(Congannghean.vn)- Khi mùa bóng năm 2013 - 2014 chưa khởi tranh, lại có thêm một doanh nghiệp bỏ bóng đá là Vicem Hải Phòng. Vấn đề được đặt ra là: Khi không còn “bầu sữa” của các doanh nghiêp, bóng đá Việt Nam sẽ khó tồn tại, nếu không có hướng đi mới và không cải tổ nhanh bộ máy thượng tầng…
Chỉ trong vài năm qua, có không ít doanh nghiệp quay lưng lại với môn thể thao vua. Bắt đầu từ Hoà Phát Hà Nội rồi Navibank Sài Gòn, sau đó đến Xuân Thành Sài Gòn, mùa bóng năm 2013 - 2014 có thêm Kienlongbank Kiên Giang và Vicem Hải Phòng. Nếu tính cả giải hạng nhất có thêm Tôn Hoa Sen - Cần Thơ, Ngân hàng Đông Á, sách Thành Nghĩa Quảng Ngãi… thì số lượng các doanh nghiệp lớn ngưng đầu tư vào bóng đá ngày càng dài thêm.
Việc các doanh nghiệp bỏ bóng đá, làm cho các đội bóng lao đao hoặc không tồn tại cho thấy tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam chỉ là nói cho vui!? Khi bản thân bóng đá không nuôi nổi bóng đá.Khi các doanh nghiệp bỏ bóng đá, để lại một hệ quả không nhỏ, bởi lâu nay, các câu lạc bộ quen xài tiền của doanh nghiệp.
Khi các “ông chủ” chi bạo, với kinh phí hoạt động mỗi năm mỗi tăng chóng mặt, các cầu thủ, huấn luyện viên và cả Ban Giám đốc điều hành đội bóng quen với kiểu nhận lương cao, những khoản “hoa hồng” hậu hĩnh. Nay các doanh nghiệp ngừng tài trợ, rút khỏi bóng đá, ngân sách các địa phương không đủ chi lương cho bộ máy của họ. Các cầu thủ, ban huấn luyện, Ban Giám đốc điều hành không chịu nổi chính sách thắt lưng buộc bụng khi không còn “bầu sữa” doanh nghiệp, bắt buộc phải giải tán.
Đội bóng Vicem Hải Phòng vừa bị doanh nghiệp tuyên bố bỏ tài trợ trong mùa giải 2014 |
Có một điều dễ thấy là: Lâu nay, các doanh nghiệp đến với bóng đá, chi tiền nuôi bóng đá để đổi lại những dự án, những thương vụ bên ngoài bóng đá. Bây giờ, hầu hết các dự án đã hết hoặc bắt buộc công khai, minh bạch, rõ ràng, đất đai, bất động sản không còn là vàng, kinh tế gặp khó khăn, nên các thương vụ cũng không phải dễ kiếm, chuyện bóng đá không còn hấp dẫn với doanh nghiệp.
Chưa nói đến trước đây, các doanh nghiệp đến với bóng đá để quảng bá hình ảnh, Đồng Tâm hay Hoàng Anh Gia Lai, bây giờ cả nước không ai không biết đến 2 thương hiệu này, không ai không biết bầu Thắng hay bầu Đức, nên họ có muốn nổi tiếng hơn nữa cũng chẳng được. Thương hiệu vì thế cũng bão hòa, nên cũng không nhất thiết phải quảng cáo thông qua bóng đá thêm nữa, bây giờ họ đã nổi tiếng rồi, họ có cần đến bóng đá nữa?
Tóm lại, vấn đề đặt ra là một khi doanh nghiệp không còn thấy lợi thông qua bóng đá, hoặc đã hoàn thành mục đích của mình, lại thêm kinh tế thế giới và trong nước bị suy thoái, bắt buộc các doanh nghiệp phải cắt bớt các khoản đầu tư không cần thiết, mà đội bóng là một gánh nặng tài chính quá lớn phải được loại bỏ đầu tiên.
Thực tế là hơn chục năm qua, bóng đá gắn với doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là về việc cải thiện đời sống. Cầu thủ, huấn luyện viên, cả Ban Giám đốc điều hành… được nhận lương “khủng”, giàu nhanh, nổi tiếng nhờ bóng đá. Nay “bầu sữa nóng” không còn, những người đang làm bóng đá do quen “sống bám” vào “bầu sữa” doanh nghiệp, nên nói lên chuyên nghiệp cả chục năm nay, bóng đá Việt Nam vẫn không tìm được hướng đi riêng cho mình, dẫn đến cảnh hụt chân lúc doanh nghiệp rút lui.
Trong mấy mùa giải gần đây, bình quân mỗi trận đấu không quá 10.000 khán giả đến sân. Tiền thu từ bán vé chắc chắn chưa trang trải đủ cho ban tổ chức, lệ phí mượn sân, hoa hồng cho dịch vụ bán vé, tiền mua vé về bán… thì làm sao nuôi đội bóng đủ sống, đừng nói đến “lương khủng”.
Khi các doanh nghiệp rút lui, bóng đá Việt Nam sẽ ra sao? Câu trả lời xin dành cho các lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các huấn luyện viên, các cầu thủ và cả các nhà hoạch định chính sách nền thể thao nước nhà.