Phóng sự
Chống diễn biến hòa bình
Lợi dụng góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII để kích động chống phá Đảng, Nhà nước
08:58, 09/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong khi đông đảo các tầng lớp nhân dân đang có những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thì vẫn còn một số người cố tình lợi dụng việc đóng góp ý kiến để xuyên tạc, tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch. Vì vậy, việc nhận diện một cách đầy đủ âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của các đối tượng từ đó chủ động triển khai các công tác, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là rất cần thiết khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vừa qua, bốn dự thảo văn kiện Đại hội XIII (gồm Dự thảo báo cáo chính trị; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII) đã được công bố nhằm lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 20-10 đến ngày 10-11-2020.
Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. Đồng thời, thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ... Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại đa số các tầng lớp nhân dân, vẫn còn một số người cố tình lợi dụng việc góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc nhằm kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá Đại hội XIII của Đảng.
Những người này đưa ra những luận điệu cho rằng: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ là sự sao chép và biến tấu từ văn bản các đại hội trước, nội dung không có giá trị gì so với sự phát triển của đất nước mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta; văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ, khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác - Lênin để duy trì quyền lực của Đảng mà thôi... Từ đó, họ kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài tung lên Internet, mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ “bộ khung” hiện nay, tức là thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự” và “đừng trông chờ vào Đại hội XIII của Đảng”.
Cá biệt, một số đối tượng còn đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng, việc coi trọng “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn với chỉnh đốn Đảng trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII cho thấy, Đảng đang lo ngại về vai trò và sức mạnh của Đảng. Một số đối tượng khác thì lợi dụng việc góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng để kêu gọi đòi thay đổi Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 để tổ chức công đoàn trở thành các tổ chức “xã hội dân sự”, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức và thành phần của các cơ quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... để những tổ chức này được thành lập dựa trên sự tự nguyện của người dân, không chịu sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước.
Tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngày 11-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, văn kiện Đại hội là văn kiện rất quan trọng, không phải là nghị quyết bình thường mà là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, rất cơ bản, còn lưu mãi trong lịch sử. Bởi vậy, các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cần có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm để Đảng tiếp thu, chọn lọc, tìm tiếng nói chung để trình ra Đại hội.
Ngày 10-9-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW về việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW nêu rõ: Việc công bố, thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII phải bảo đảm khoa học, thiết thực, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của nhân dân đối với Đảng và đất nước; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng diễn đàn thảo luận, lấy ý kiến nhân dân để kích động xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ XHCN.
Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, ý đồ, hoạt động của các đối tượng lợi dụng việc góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết của việc đóng góp ý kiến đối với các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, về những vấn đề, nội dung, hình thức thảo luận, đóng góp ý kiến... nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, cũng như sự đồng thuận trong nhân dân. Tổ chức việc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng nghiêm túc, có chất lượng, tránh hình thức. Các cơ quan chức năng giúp việc cho Đảng cần đề cao trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tổng hợp nghiên cứu, phân tích những ý kiến có đủ căn cứ khoa học và những ý kiến chưa có cơ sở khoa học, tham mưu đề xuất đưa ra Đại hội thảo luận, quyết định.
Tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chú ý phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ nhà báo và sự tham gia tích cực của những người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, nhất là trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, chuyên gia, những người nghiên cứu lý luận... trong đấu tranh phản bác. Thực hiện tốt việc đấu tranh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội. Đồng thời, coi trọng công tác định hướng dư luận xã hội trong đấu tranh với thông tin xuyên tạc về dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn: CAND