Phóng sự

Thương nhớ Rào Trăng!

10:04, 18/10/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Những ngày qua, cả nước hướng về khúc ruột miền Trung. Mưa gọi lũ về khiến dải đất còn lắm nghèo khó phải oằn mình chống chọi. Nỗi đau lại chất chồng nỗi đau, khi trong nỗ lực làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, có 13 người lính, cán bộ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng “đất mẹ”. Lên đường vào chốn “rừng thiêng nước độc” từ mệnh lệnh trái tim, đến lúc trở về, các anh đã trọn vẹn lời thề, nghĩa tình với đất nước, với nhân dân. 

Sáng 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nhận được cuộc điện thoại “nóng”. Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình thế nguy cấp, “cứu người như cứu hỏa”, đoàn công tác của Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế lập tức lên đường hành quân hướng về thượng nguồn sông Rào Trăng trong điều kiện mưa rừng xối xả, nhiều đoạn đất, đá sạt lở ngổn ngang. Gian nguy hiện hữu trước mắt nhưng chẳng thể làm chùn bước chân của đoàn công tác đến giải cứu những công nhân mắc kẹt trong mưa lũ. Đến 21 giờ cùng ngày, tuyến đường độc đạo bị sạt lở nên đoàn dừng dân tại khu vực Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Khoảng 0 giờ 5 phút sáng 13/10, những tiếng nổ liên tục phát ra từ khu đồi phía sau, trong tích tắc, đất đá đổ xuống khu nhà, 8 người may mắn thoát ra ngoài, còn lại 13 cán bộ, chiến sỹ bị mất liên lạc. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của đồng chí, đồng đội,  hy vọng về “phép màu” tan biến khi 13 cán bộ, chiến sỹ lần lượt được tìm thấy sâu trong lòng đất mẹ, vẹn nguyên trong bộ quân phục thân thương.!!!

“Tổ quốc gọi một lòng xông pha
Rừng xanh núi bạc anh làm nhà
Màn trời chiếu đất không quan ngại
Nước non ngàn dặm gội rửa thân
Đất mẹ bao la đón anh về”

Hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác trên đường vào cứu nạn, cứu hộ
Hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác trên đường vào cứu nạn, cứu hộ

Đời lính can trường, thời nào cũng vậy, trong trái tim các anh là Tổ quốc, trên vai các anh là đồng bào. Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đọng lại trong ký ức của những đồng đội và người dân từng làm việc và tiếp xúc với ông, đó là người chỉ huy bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một lòng vì nước, vì dân, hết sức chan hòa, gần gũi. Chẳng nề hà gian khó, bởi “nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” như lời Thiếu tướng Man nhắn nhủ với đoàn công tác trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Cùng chung tâm niệm cao cả ấy, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch huyện Phong Điền đã nguyện “gác tình riêng”, sẵn sàng lên đường xông pha vào “tuyến lửa”. Trong cơn lũ lịch sử những ngày vừa qua, người cán bộ này thường xuyên vắng nhà vì tất tả chỉ đạo công tác đối phó với lũ lụt và vào tận các rốn lũ để chi viện lương thực, thực phẩm cho bà con địa phương. Xong việc cứu trợ, điểm đến là Thủy điện Rào Trăng 3. Nào có ngờ, đó lại là chuyến đi cuối cùng. Người cán bộ xông xáo này vĩnh viễn sẽ chẳng thể trở về mái ấm quen thuộc – nơi dấu tích của trận lũ ngập nửa vách căn nhà cấp 4 đơn sơ vẫn còn nguyên lằn nước.

“Trái tim nóng đã nằm trong đất lạnh!
Gió thét gào, mưa xóa vết chân anh
Đồng bào khóc nghẹn ngào trong thương xót
Ngủ đi anh - bình yên nơi vĩnh hằng...".

Trong những “trái tim nóng” đã nằm lại ở Rào Trăng, có 4 đồng chí người Nghệ An. Đó là Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu 4; Trung tá Lê Tất Thắng - Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4; Thượng úy Đinh Văn Trung – Đài trưởng Đài 15W thuộc Lữ đoàn Thông tin 80 Quân khu 4; Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80. Trong số ấy, có người lính trẻ - Đại úy Cường vẫn đang ngóng vọng được bế bồng một đứa con thơ. Kết duyên với người vợ chưa tròn 1 năm, dù đều công tác gần nhà nhưng do đặc thù công việc, họ chẳng mấy khi được gần nhau. Giờ anh đã đi xa, mong mỏi có được đứa con chưa kịp thành và bao lời hứa với cha mẹ già sẽ mãi dang dở. Vượt quãng đường xa xôi với vô vàn hiểm nguy, anh và đồng đội đã nằm lại Rào Trăng để mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, giúp các lực lượng tiếp tục công cuộc tìm kiếm người bị nạn. Dẫu vậy, đau đớn thay khi đó là những cuộc chia ly không được báo trước, với những lời hứa chưa tròn cùng bao niềm day dứt trong tâm khảm những người ở lại.

“Xin ngược thời gian để lần cuối trong đời
Được ôm con, nghe ngọt bùi hơi thở…
Nước mắt này chẳng muốn rớt đâu con
Vì đã chảy dọc đời mẹ giông gió
Giờ đầu bạc tiễn đầu xanh… Đâu dễ.
Thắt quặn lòng nên vẫn ứa rơi lăn...”

Rào Trăng ôm các anh vào lòng, để đau thương cho người ở lại… Thế nhưng, sự hy sinh này chẳng dễ dàng quên lãng, bởi các anh ra đi vì một sứ mệnh chưa từng do dự - "trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa”. Các anh sẽ vẫn sống trong niềm tự hào của người thân và nhân dân, trong sự tiếp nối noi gương quả cảm của những thế hệ tương lai. Khắc ghi sự hy sinh cao cả ấy, ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sỹ đối với 13 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3. Chủ tịch nước cũng đã có quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên – Huế) vì đã có hành động dũng cảm trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Trung ương Đoàn có quyết định truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho 2 chiến sĩ trẻ trong đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, gồm: Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (34 tuổi), Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (29 tuổi), Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80.

Hiện trường vụ sạt lở đất – nơi 13 cán bộ, chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại
Hiện trường vụ sạt lở đất – nơi 13 cán bộ, chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại

Khi đang gõ những dòng cuối của bài viết, tôi lặng người khi đọc hung tin. “Sớm 18/10, trực tại lễ viếng, lễ truy điệu 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận, rạng sáng cùng ngày, lại xảy ra một vụ sạt lở đất, vùi lấp hơn 20 cán bộ, chiến sỹ tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337”. Đau xót biết bao! Khi nỗi đau Rào Trăng chưa kịp nguôi ngoai thì đau thương thảng thốt khác lại ập tới. Biến đau thương thành hành động, lúc này, các lực lượng cứu hộ đang dốc hết tâm sức để tìm kiếm các anh. “Mẹ thiên nhiên” đã ôm các anh vào lòng; dẫu biết hy vọng là rất mong manh, song vẫn cứ muốn tin rằng các anh sẽ trở về, vẹn nguyên hình hài nhưng không phải lạnh lẽo trong lòng “đất mẹ” mà là trong vòng tay ấm áp, thân thuộc của người thân, đồng chí, đồng đội – những người mòn mỏi, thắc thỏm ngóng đợi các anh.

Biết rằng, sẽ là thiếu sót khi trong khuôn khổ bài viết, không thể kể hết tên tuổi, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của 13 cán bộ chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại Rào Trăng và cả hơn 20 cán bộ chiến sỹ ở miền đất lửa Quảng Trị chưa thể trở về. Và chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả thấu cùng nỗi đau của những người ở lại. Bởi vậy, xin được mượn tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài Đất nước như một nén tâm nhang gửi tới các anh: "Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm”. Xin nghiêng mình cảm kích, tri ân và vĩnh biệt “những người đã làm ra Đất nước”.

Thùy Dương

Các tin khác