Phóng sự
Để phòng ngừa nạn cờ bạc
09:05, 06/10/2020 (GMT+7)
Dư luận tỏ rõ sự đồng tình khi lực lượng công an liên tục bóc gỡ các đường dây “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” trong thời gian gần đây. Ở Hà Nội, hồi cuối tháng 5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cùng lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt Trương Ngọc Tú (trú quận Long Biên) và 15 nghi phạm để làm rõ các hành vi “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2018, Tú cùng các đối tượng liên quan góp vốn mua tài khoản admin từ máy chủ của trò chơi nổ hũ ở nước ngoài để kinh doanh cá cược. Khi có tài khoản, nhóm của Tú mở chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để thu hút thành viên.
Băng nhóm của Tú lập ra 24 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2 để thực hiện việc giao dịch nộp và đổi tiền cho người chơi. Chiêu bài của băng nhóm này là đặt phần mềm trên GooglePlay và Appstore để người dùng điện thoại tải game bài nổ hũ về chơi. Đây là game bài mô phỏng các trò chơi đặt cược như đánh bài, xóc đĩa, bầu cua. Con bạc đăng ký tài khoản trên hệ thống nổ hũ, sau đó nạp tiền mặt để đổi điểm, thắng thì có thể đổi lấy tiền mặt ở các đại lý. Người chơi cũng có thể tham gia cá cược ngay trên máy tính. Từ năm 2018 đến khi bị bắt, tổng số tiền giao dịch phi pháp liên quan đường dây của Tú là khoảng 64.000 tỉ đồng.
Nói về các vụ “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” mà số tiền lên đến con số ngàn tỉ thì bây giờ không còn là chuyện lạ. Trong những ngày cuối tháng 9 này, Bộ Công an cũng đã lập ban chuyên án gồm Công an TP Đà Nẵng, Công an tỉnh Gia Lai, do Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đứng đầu triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc liên tỉnh Đà Nẵng - Gia Lai, do Huỳnh Ngọc Anh (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cầm đầu. Qua đó, bắt giữ 22 đối tượng, thu nhiều tang vật và tài liệu liên quan. Tính từ đầu năm 2020, tổng số tiền giao dịch đánh bạc của đường dây này lên đến trên 3.000 tỉ đồng.
Khác với đường dây của Trương Ngọc Tú, đường dây Huỳnh Ngọc Anh liên hệ với các website đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài như Bong88.com, Bong88.net, Booking88.net, SmartBooking88.net để mở "tài khoản tổng" cá cược các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, quần vợt, xổ số, đánh bài… Điều cần lưu ý nữa là trong số tang vật của vụ án được thu giữ, có 2 súng quân dụng, nhiều công cụ hỗ trợ như kiếm, bình xịt hơi cay... là công cụ để các đối tượng sử dụng trong việc đe dọa con bạc, đòi nợ khi mang tiền cho vay nặng lãi.
Cơ quan Công an Thanh Hóa vừa triệt phá thành công vụ đánh bạc qua mạng ước tính hơn 1.300 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Thị Trang (trú TP Vinh, Nghệ An) và 9 đối tượng khác về tội “Tổ chức đánh bạc”. Khác với 2 vụ nói trên, ở vụ này thì Phan Thị Trang cầm đầu đường dây đánh bạc với hình thức ghi lô đề quy mô lớn, ngày cao điểm số tiền giao dịch lên đến 5 tỉ đồng. Tham gia làm các đại lý cấp 1 trong đường dây này chủ yếu là phụ nữ.
Từ hàng loạt vụ “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” do lực lượng Công an liên tục triệt phá vừa qua cho thấy nạn cờ bạc ở nước ta đã đến mức rất cần báo động. Đó là một loại “sóng ngầm” đang hoành hành với qui mô khủng, đặc biệt trên không gian mạng, gây ra vô vàn hệ lụy và hậu quả đối với đạo đức, trật tự an ninh xã hội.
Cũng cần nói thêm là cờ bạc không chỉ đang hoành hành dưới hình thức của những đường dây cờ gian bạc bịp chuyên nghiệp, có phạm vi ảnh hưởng liên tỉnh, liên vùng, cấp quốc gia, quốc tế như đã nêu ở các vụ án nói trên, mà cờ bạc còn len lỏi sâu trong đời sống xã hội ở nước ta, dưới rất nhiều hình thức. Đó có thể là những lễ hội, trò chơi ngày Tết, ngày Xuân mang nặng tính chất đỏ đen; là những cuộc sát phạt đội lốt cuộc vui trong phạm vi gia đình, cụm dân cư. Đặc biệt, gần đây còn có việc đảng viên, cán bộ, công chức tham gia đánh bạc, thậm chí là đánh bạc ngay trong cơ quan, đơn vị, trụ sở chính quyền.
Hồi cuối tháng 5, tỉnh Thanh Hóa đã phải xử lý 3 cán bộ do tham gia đánh bạc. Số cán bộ này là cán bộ cốt cán, có người là nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt của địa phương. Đó là ông Bùi Quốc Toàn (Trưởng phòng Công chức, viên chức của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Văn Long (Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc) và ông Lê Duy Hưng (Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc).
Cùng thời điểm, khi Công an huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bắt 10 đối tượng đang đánh bạc tại nhà của Phan Ngọc Quý (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) thì trong số này cũng có 4 vị đang công tác tại Liên đoàn Lao động huyện, Kho bạc huyện; Trường PTDT bán trú của xã Sơn Tân và xã Sơn Long. Tại Hà Nội, ông Lê Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai và ông Vũ Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai cũng bị xử lý do tham gia đánh bạc… Mới đây, ông Nông Văn Hải - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015-2020, cũng bị kỷ luật cách chức vì đã cùng nhiều cán bộ của đơn vị tổ chức đánh bạc nhiều lần trong suốt thời gian từ năm 2011-2019, tại nhà bảo vệ cơ quan.
Như vậy là rất dễ thấy vì sao cờ bạc lại lộng hành kinh khủng như vậy. Cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, dù đã có rất nhiều qui định về việc cấm tham gia “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, nhưng vẫn có nhiều người vi phạm. Cái này thì ngoài ý thức của mỗi cá nhân, còn cần phải nói đến trách nhiệm quản lý, giáo dục của cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng ở cơ sở.
Tấn công triệt phá các đường dây “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” tất nhiên nòng cốt là lực lượng Công an, nhất là trong bối cảnh bùng phát về công nghệ thông tin. Nhưng đừng quên việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn thì phải bắt đầu từ ngay chính từ trong mỗi gia đình, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Nếu không làm tốt cùng lúc cả 2 giải pháp là tấn công và phòng ngừa thì tệ nạn nào cũng khó dẹp bỏ chứ không riêng gì “cờ gian, bạc bịp”.
Nguồn: CAND