Phóng sự

Khi Công an xã trở thành người thân của đồng bào

09:59, 30/09/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Khi thấy Trung tá Hưng đến, Mục sư Giàng Hồng Sinh và các giáo dân ở điểm nhóm Tin lành Việt Nam Miền Bắc tại bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, tay bắt mặt mừng như gặp người thân. Người thì khoe nhà mới tậu thêm trâu, người thì kể mới sắm xe máy để chạy đi chạy lại cho thuận tiện, người lại nói chuyện con gái đi học được khen… 
 
Từ khi nhận đảm nhiệm các chức danh Công an xã, các cán bộ, chiến sĩ Công an xã ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã phát huy rất tốt vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên giới. Không những thế, cán bộ Công an xã còn trở thành người thân của đồng bào, vì vậy gia đình có bất cứ việc gì, bà con cũng đều hỏi Công an xã…
 
"Làm dâu trăm họ"
 
Chúng tôi đến Công an huyện Mường Nhé đúng lúc Thiếu tá Vũ Văn Hưng -Trưởng Công an huyện Mường Nhé, đang chuẩn bị đi kiểm tra địa bàn ở xã Mường Nhé, vậy là chúng tôi "bám càng" anh đi luôn. Hôm nay, Thiếu tá Vũ Văn Hưng đến thăm nhà chị Lò Thị Quyết, tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé. Đây là hộ gia đình vừa được nhận nhà mới theo dự án làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động.
 
Vừa bước vào nhà, Thiếu tá Hưng đã kiểm tra ngay nơi gia đình để chiếc bếp gas. Anh bảo, người dân ở đây quen sống đơn giản, chưa ý thức được nguy cơ cháy nổ và cách phòng cháy. Chẳng hạn như nhà chị Lò Thị Quyết, dù nhà đã được lợp bằng tôn lạnh chống nóng nhưng gia đình vẫn… phủ một lớp bạt dù ở trên. Đáng lo là bạt dù phủ đó lại được đặt không cao nhiều so với bàn thờ. Còn bếp gas mới được mua lại để ngay gần mấy cái đấu tre, không an toàn tí nào. 
 
Chị Lò Thị Quyết kể: "Cán bộ Hưng vừa nói tôi là không được để bạt phủ như vậy, nguy cơ cháy nổ rất cao. Tôi cũng có nói với cán bộ là mỗi lần thắp hương tôi đều chống bạt lên cao nhưng cán bộ có giải thích rằng, vẫn không an toàn. Tôi tính để lớp bạt phủ cho đỡ bụi chứ đâu biết nó lại nguy hiểm đến cả tính mạng của mình. Rồi đến bếp gas, cán bộ Hưng cũng dặn dò kỹ là không được đặt sát các vật dễ bắt lửa và gây cháy…".
Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé trò chuyện với bà con ở bản Xi Ma 2, xã Chung Chải.
Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé trò chuyện với bà con ở bản Xi Ma 2, xã Chung Chải.
Trong câu chuyện, chị Quyết bảo cán bộ Công an mỗi lần đến thăm thường đưa ra những lời khuyên hữu ích về cách chăn nuôi, cách làm kinh tế hay thậm chí là cách dạy con học sao cho con trẻ say mê cái chữ. Bản thân việc chị được hỗ trợ xây nhà cũng là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của Công an xã. 
 
Chị Lò Thị Quyết kể: "Trước đây nhà cũ của tôi được làm bằng tre, mái lợp lá nhưng mục nát hết cả. Cứ mưa đến là cả nhà ngập trong nước, đâu đâu cũng bị dột. May hồi đầu năm, Công an xã đi từng bản, thôn để rà soát các hộ nghèo. Thấy nhà tôi đổ nát quá, con lại nhỏ, các anh Công an xã đã tận tình hướng dẫn tôi cách làm đơn và các thủ tục để xin được hỗ trợ làm nhà. Tôi mới được nhận nhà hồi tháng 4. Thật sự là không thể tưởng tượng được rằng có ngày mình lại được sống trong một ngôi nhà khang trang đến vậy…".
 
Cũng như chị Quyết, khi thấy Trung tá Hưng đến, Mục sư Giàng Hồng Sinh và các giáo dân ở điểm nhóm Tin lành Việt Nam Miền Bắc tại bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, tay bắt mặt mừng như gặp người thân. Người thì khoe nhà mới tậu thêm trâu, người thì kể mới sắm xe máy để chạy đi chạy lại cho thuận tiện, người lại nói chuyện con gái đi học được khen… 
 
Câu chuyện càng trở nên thân tình hơn khi một giáo dân tên là Sùng Thị Sình kể về hoạt động của các giáo dân trong điểm sinh hoạt. Nhờ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, giáo dân tại bản Xi Ma 2 vẫn thường xuyên sinh hoạt tuần 2-3 lần và trong bản không có người nghe theo bất kể lời dụ dỗ hay xúi giục nào của những kẻ xấu nhằm lôi kéo họ theo tà đạo như "Giê Sùa" hoặc "Bà cô Dợ". 
 
"Nhờ có Công an xã mà chúng tôi hiểu rõ những cái sai và vi phạm pháp luật của các tà đạo. Vì thế, chúng tôi không bao giờ đi theo những lời xúi giục xấu nữa, chỉ yên tâm sinh sống ở bản để gây dựng cuộc sống tốt hơn thôi", chị Sùng Thị Sình nói.
Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Thiếu tá Tống Văn Chỉnh cùng công an xã, Thượng uý Hàng A Tu thăm gia đình chị Giàng A Xua ở bản Co Lót, xã Mường Nhé.
Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Thiếu tá Tống Văn Chỉnh cùng công an xã, Thượng uý Hàng A Tu thăm gia đình chị Giàng A Xua ở bản Co Lót, xã Mường Nhé.
"Chị Thanh Tâm" bất đắc dĩ
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé, cho biết ngay sau khi triển khai Công an chính quy về xã, Ban chỉ huy Công an huyện đã quán triệt anh em về cơ sở phải nắm bắt tâm tư của người dân và hỗ trợ kịp thời khi cần thiết. 
 
Mọi vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, gây rối nơi công cộng hoặc bức xúc trong nhân dân…, Công an xã phải kịp thời nắm bắt để từ đó tham mưu cho các cấp chính quyền cách giải quyết hợp tình, đạt lý. Công an xã phải quan tâm chú trọng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính, hỗ trợ dân giải quyết các vấn đề nhân khẩu hay giấy tờ phát sinh. Phải làm sao để dân tin tưởng và tìm đến Công an xã khi họ đang gặp khúc mắc hoặc có vấn đề mà chưa tìm được hướng xử lý.
 
Khi bố trí cán bộ chiến sĩ Công an chính quy về xã, Công an huyện ưu tiên cán bộ biết tiếng dân tộc để thoải mái giao tiếp với dân. Chẳng hạn như trường hợp Thượng uý Hàng A Tu, người mới được điều động từ Công an huyện về Công an xã Mường Nhé. Là người dân tộc H'Mông nên khi tiếp cận địa bàn xã Mường Nhé nơi có đông người H'Mông sinh sống, Thượng uý Hàng A Tu đã ngay lập tức giành được cảm tình của người dân các thôn bản.
Công an xã Mường Nhé đi kiểm tra địa bàn.
Công an xã Mường Nhé đi kiểm tra địa bàn.
Tôi đã được chứng kiến sự thân tình ấy khi đi cùng Thiếu tá Tống Văn Chỉnh và Thượng úy Tu đến thăm gia đình chị Giàng A Xua ở bản Co Lót, xã Mường Nhé - một trong những nạn nhân buôn bán người được may mắn cứu thoát khi chưa bị đưa ra biên giới Trung Quốc. Thấy cán bộ Tu đến, câu chuyện trở nên cởi mở và thân tình hơn. 
 
Chị Giàng A Xua kể, cách đây 7 năm, lợi dụng khoảng thời gian chị đang có mâu thuẫn với chồng, hai đối tượng xấu đã dụ dỗ chị sang Trung Quốc làm ăn, kiếm tiền. May gia đình phát hiện và báo Công an kịp thời, chị Giàng A Xua đã được đưa về nhà an toàn. 
 
"Lần ấy, cán bộ Công an có nói với tôi là về nhà xây dựng cuộc sống cùng chồng, vì các con. Dù khó khăn thế nào thì có gia đình bên cạnh vẫn hạnh phúc hơn là sống tha hương. Kể từ đó, Công an xã vẫn thường xuyên thăm hỏi và cùng các phòng, ban khác của huyện giúp đỡ, hỗ trợ để gia đình chúng tôi phát triển kinh tế. Giờ nhà tôi có 4 con bò, cả lợn nái nữa. 
 
Những lúc vợ chồng tôi cãi nhau hoặc to tiếng, Công an xã đến giải thích, nói chuyện và phân tích phải trái. Cũng nhờ những lần trò chuyện thân tình của công an xã mà chồng tôi cũng bớt cái tính nóng đi, biết cách chăm sóc vợ con hơn và bớt cả rượu chè", chị Giàng A Xua tâm sự.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Hưng cho biết, huyện Mường Nhé hiện có 58 cán bộ chiến sĩ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 11/11 xã; trong đó Trưởng Công an xã là 11 đồng chí, Phó Công an xã 20 đồng chí, Công an chính quy thường trực là 27 đồng chí. 
 
Tuy còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, đường xá đi lại khó khăn nhưng mỗi cán bộ chiến sĩ đều ý thức rõ trách nhiệm của mình và thường xuyên cùng các sở, ban, ngành khác đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự. Công an huyện khuyến khích các xã thực hiện nhiều mô hình an ninh phù hợp với từng thôn, bản để người dân trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, các cán bộ chiến sĩ còn đóng vai trò là người tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khúc mắc cho bà con.
 
Thượng uý Nguyễn Văn Long, Công an viên xã Chung Chải, người đã gắn bó với bà con dân tộc ở Mường Nhé từ năm 2014 chia sẻ: "Đối với chúng tôi, quan trọng là phải bám cơ sở, bám dân và được dân tin, dân yêu. Những điểm bản nào xa, không thể đi bằng xe máy thì chúng tôi đi bộ. Như bản thân tôi, gia đình ở xa, 3-4 tháng mới được về nhà một lần, cuộc sống phần lớn là gắn bó với người dân ở bản. 
 
Nếu một ngày làm việc theo giờ hành chính là 8 tiếng thì đối với các công an xã viên chúng tôi không có giờ giấc cụ thể. Người dân có thể tìm đến sự giúp đỡ của chúng tôi bất kể thời gian nào, sáng sớm hoặc đêm khuya, trời nắng hay trời mưa. Thậm chí, chúng tôi còn trở thành "chị Thanh Tâm" bởi lẽ ở đây, người dân tộc thường xây dựng gia đình sớm và các đôi vợ chồng trẻ rất hay xảy ra mâu thuẫn. 
 
Chúng tôi liên tục phải giải quyết những vụ việc bức xúc gia đình. Mới đây thôi, đang đêm, tôi còn bị một thanh niên bản dựng dậy gọi đi hòa giúp vì vợ anh này giận dỗi đòi ăn lá ngón tự tử. Tôi đã phải đến khuyên nhủ, nói chuyện mãi chị vợ mới bỏ ý định đó. Đến ngày hôm sau, hai vợ chồng lại vui vẻ như chưa hề có chuyện gì. Hoặc có trường hợp vợ giận bỏ vào rừng, chúng tôi còn phải huy động thêm người để đi tìm, tránh nguy cơ chị vợ suy nghĩ quẩn mà làm điều dại dột…".
 

Nguồn: CAND

Các tin khác