Phóng sự
Chủ động phòng ngừa và ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống
09:52, 07/11/2020 (GMT+7)
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong các văn kiện của các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đảng ta đã luôn nhấn mạnh những quan điểm, chủ trương, phương hướng, nội dung, biện pháp phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Cùng với đó, chúng ta đã tổ chức triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và đã thu được những kết quả quan trọng.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm” đã nhấn mạnh: “Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động”.
Thực tiễn đất nước trong những năm vừa qua, nhất là trong những năm gần đây đã khẳng định nhận định trên đây trong Dự thảo Báo cáo Chính trị là hoàn toàn đúng đắn.
Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, của CAND, QĐND, chúng ta đã phòng, chống kịp thời, có hiệu quả những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là phòng, chống đại dịch COVID-19, phòng chống bão lũ ở các tỉnh miền Trung, phòng, chống “diễn biến hòa hình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng khẳng định một số mặt bất cập như: “An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu tư nước ngoài; nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con người chưa được quan tâm giải quyết triệt để…Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế”.
Phân tích dự báo sâu sắc tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp”; “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”.
Trên cơ sở đó, trong mục “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Dự thảo báo cáo Chính trị nhấn mạnh: “Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh”.
Như vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề cập đến một trong những vấn đề rất quan trọng đang và sẽ tác động, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là: cùng với các mối đe dọa an ninh truyền thống là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Theo đó, vấn đề đặt ra là phải đi sâu nghiên cứu nhận diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trên cơ sở đó tìm kiếm, lựa chọn những giải pháp chủ yếu để vừa chủ động phòng ngừa, vừa ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, nhất là trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” từ bên trong.
Để phòng ngừa, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, theo chúng tôi, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau đây:
- Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng về những thách thức an ninh phi truyền thống; về đặc điểm, tính chất, nội dung, phạm vi ảnh hưởng; về sự cần thiết, nội dung, biện pháp, lực lượng, phương tiện để phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
- Tổ chức nghiên cứu có hệ thống, toàn diện những vấn đề lý luận, trên cơ sở tổng kết thực tiễn vấn đề an ninh phi truyền thống; nghiên cứu vấn đề phòng ngừa và ứng phó với các mối de dọa an ninh phi truyền thống; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về các vấn đề phòng ngừa và ứng phó với các mối de dọa an ninh phi truyền thống.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch, tổ chức diễn tập, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm về phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống từ cấp Trung ương đến các địa phương, cơ sở, nhất là đối với các lực lượng chuyên trách.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, nhất là lực lượng nòng cốt, CAND, QĐND, tham gia phòng ngừa và ứng phó với các mối de dọa an ninh phi truyền thống.
- Quan tâm xây dựng các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên trách để sẵn sàng ứng phó với các mối de dọa an ninh phi truyền thống. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối, kết hợp các lực lượng trong ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh truyền thống.
- Tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm thông tin cho các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh truyền thống.
- Tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế, khu vực trong phòng ngừa và ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh truyền thống.
Để tiếp tục hoàn thiện quan niệm về phòng ngừa và ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tôi đề nghị bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện thêm về nội dung này như sau: Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu: “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh”. Theo chúng tôi, diễn đạt như thế là đúng nhưng chưa đầy đủ. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Chủ động nghiên cứu dự báo” trước cụm từ “Ứng phó kịp thời, hiệu quả…”.
Theo đó, sẽ diễn đạt lại nội dung này như sau: “Chủ động nghiên cứu dự báo, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh”.
Bởi lẽ, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, có chủ động nghiên cứu dự báo tốt, thì mới chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả. Dự báo càng đúng, càng sát bao nhiêu thì việc ứng phó càng kịp thời, càng có hiệu quả bấy nhiêu, nhất là nghiên cứu dự báo những hiện tượng thiên tai như bão, lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ đe dọa, làm thiệt hại lớn đến con người và xã hội.
Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng
Nguồn: CAND