Chủ Nhật, 07/06/2020, 16:16 [GMT+7]

Ngăn chặn ma túy thẩm lậu: Chuyện ghi từ cửa ngõ biên giới

(Congannghean.vn)-Trong nhiều năm trở lại đây, vấn nạn ma túy thẩm lậu qua biên giới Việt - Lào vào Việt Nam tập kết, sau đó trung chuyển để đưa đi tiêu thụ, tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng phòng, chống ma túy (PCMT) của các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó có Nghệ An, đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, đấu tranh, triệt xóa và đã đạt được nhiều chiến công xuất sắc. 
 
Kỳ IV: Nhận diện thủ đoạn của tội phạm ma túy trong tình hình mới 
 
Nhận định, tội phạm ma túy qua biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nên cùng với việc đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới để đấu tranh, ngăn chặn, lực lượng chức năng các tỉnh có chung đường biên đã tăng cường hợp tác, xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, vừa là “tai mắt”, vừa là lá chắn ở địa bàn biên cương, vì mục tiêu một xã hội không còn ma túy và vì bình yên biên giới Việt - Lào. 
Cục Cảnh sát ĐTTP về Ma túy tổ chức tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy  tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh - Ảnh: TTXVN
Cục Cảnh sát ĐTTP về Ma túy tổ chức tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh - Ảnh: TTXVN
Theo số liệu của Cục Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Bộ Công an, khu vực biên giới là nơi nhiều đối tượng truy nã về ma túy lẩn trốn, trang bị vũ khí và móc nối, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Số người nghiện ma túy thuộc 10 tỉnh biên giới Việt - Lào còn nhiều, hiệu quả công tác cai nghiện rất thấp. Điều này không chỉ là nguyên nhân gây mất ổn định về ANTT mà vô hình trung còn là điều kiện để tội phạm xuyên biên giới lợi dụng để móc nối, hoạt động, trong đó đặc biệt là tội phạm về ma túy. 
 
Chung tay đẩy lùi tội phạm ma túy xuyên biên giới
 
Thực tế trong những năm gầy đây, lực lượng PCMT của Bộ Công an, Công an các tỉnh giáp biên giới hai nước Việt Nam - Lào đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, cùng với tăng cường đấu tranh, chặt đứt những “chiếc vòi bạch tuộc” vươn từ bên kia biên giới, công tác dân vận, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cũng được chú trọng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy. Lực lượng PCMT Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương triển khai hiệu quả 11 công trình “Vì nhân dân phục vụ” trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Những mô hình này đã trở thành điểm sáng về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, là mô hình mẫu trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, được các cấp chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và đang được phổ biến nhân rộng trong toàn quốc.
 
Tại Nghệ An, từ khi cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy được đưa vào khai thác, tội phạm ma túy tuyến biên giới qua địa bàn huyện Thanh Chương có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc trưng của tội phạm ma tuý ở huyện biên giới này, chủ yếu là địa bàn trung chuyển, cung cấp nguồn hàng. Các đối tượng mang ma tuý từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và các đường tiểu ngạch giáp Lào, sau đó theo đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 46 đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, Công an huyện Thanh Chương phối hợp với Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma tuý Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị nghiệp vụ liên tục phá thành công nhiều chuyên án ma túy “khủng”. Có thể kể đến là chuyên án phá đường dây ma túy do Kha Văn Công và Quang Văn Là cầm đầu, thu giữ 19 bánh hêrôin, 4 kg ma tuý đá vào đầu tháng 7/2018; phá đường dây ma túy do Nguyễn Phi Hùng điều hành vào tháng 7/2019, thu giữ 20 kg ma túy đá, 20 kg ketamin và 20 bánh hêrôin; Chuyên án bắt giữ Lang Văn Thái vào tháng 1/2019, thu 8 bánh hêrôin, 4 kg ma tuý đá, 3.000 viên ma tuý tổng hợp…
 
Cùng với việc đẩy mạnh đấu tranh trên tuyến biên giới, trong những năm qua, lực lượng Công an, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện Thanh Chương đã đẩy mạnh xây dựng nhiều mô hình huy động sức mạnh toàn dân trong việc chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy. Tiêu biểu là mô hình CLB “Phòng, chống tội phạm - Phòng, chống ma túy” được triển khai và duy trì hiệu quả hơn 10 năm nay đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm ma túy, giữ gìn ANTT trên địa bàn dân cư. Được thí điểm từ năm 2011 tại địa bàn xã biên giới Hạnh Lâm, các CLB đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền PCMT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng vận động các đối tượng đi cai nghiện tại cộng đồng. Từ những mô hình ban đầu này, nhiều CLB “Phòng, chống tội phạm - Phòng, chống ma túy” đã được nhân rộng ra toàn huyện, góp phần đưa phong trào toàn dân PCMT phát triển sâu rộng trong nhân dân. 
 
Cũng trên địa bàn huyện Thanh Chương, năm 2019, mô hình “Quy chế phối hợp giữa Công an với Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo xứ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh PCTP và TNXH” đã được Bộ Công an biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã xây dựng và duy trì hoạt động của 570 mô hình PCMT trong thanh, thiếu niên và 2 CLB “Tuổi trẻ PCMT”. Những mô hình này, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết tranh thủ sức mạnh của toàn thể nhân dân, chính là những “lá chắn thép”, góp phần đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi địa bàn dân cư nói chung, làm sạch tội phạm ma túy tại các địa bàn biên giới nói riêng.
Đối tượng (X), tang vật (20 kg ma túy dạng đá, 20 bánh hêrôin, 4 kg ketamin) trong đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về bị Công an huyện Kỳ Sơn triệt xóa (tháng 5/2020)
Đối tượng (X), tang vật (20 kg ma túy dạng đá, 20 bánh hêrôin, 4 kg ketamin) trong đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về bị Công an huyện Kỳ Sơn triệt xóa (tháng 5/2020)
Nhận diện tội phạm ma túy xuyên biên giới trong tình hình mới 
 
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2019, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; đấu tranh trấn áp mạnh để triệt xóa bằng được các băng, ổ nhóm tội phạm. Trong đó, tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm ma túy, nhất là các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, không để tội phạm ma túy lợi dụng Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của quốc tế.
 
Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tội phạm ma túy trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác truy quét tội phạm ma túy. Tập trung vào các vấn đề như tổ chức lực lượng chuyên trách bắt đồng loạt các đối tượng, các tụ điểm buôn bán ma túy để sạch địa bàn, bắt giam và xử lý hình sự; phối hợp với ngành Thương binh - Xã hội đưa tất cả người nghiện ma túy tại địa phương tập trung cai nghiện; củng cố hệ thống chính trị để làm sạch địa bàn, không để tái diễn phức tạp; thường xuyên giám sát và tư vấn giúp chính quyền địa phương giữ vững địa bàn.
 
Trong những năm qua, Công an Nghệ An đã làm giảm tính phức tạp của 58/70 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là đã triển khai các đợt truy quét tội phạm ở tất các các địa bàn biên giới, tiêu diệt một số đối tượng nên vấn đề buôn bán ma túy khu vực biên giới Nghệ An cơ bản giảm được. Trong quá trình đấu tranh, ngoài công tác tổ chức của lực lượng biên phòng, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của 3 tỉnh Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay và Xiêng Khoảng (Lào) để xác lập chuyên án, điều tra xác minh các đối tượng, đường dây vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới về.  
 
Kết quả cho thấy, năm 2019, Nghệ An phát hiện 1.501 vụ, bắt 1.808 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy. Nổi lên là tình trạng ma túy thẩm lậu qua tuyến biên giới Việt - Lào vào Nghệ An còn nhiều. Trong đó, đã phát hiện, bắt giữ 61 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy lớn, xuyên quốc gia với 88 đối tượng; phát hiện, triệt xóa 2 đường dây vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp rất lớn, có người nước ngoài tham gia với thủ đoạn lợi dụng vỏ bọc thuê kho hàng hóa, cất giấu ma túy trong các thiết bị loa máy để ngụy trang việc tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Một số nhóm đối tượng mang theo vũ khí “nóng” lén lút hoạt động mua bán trái phép chất ma túy ở các huyện biên giới mặc dù đã được các lực lượng chức năng tập trung tấn công, truy quét, đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ẩn nấp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Thống kê của các ngành chức năng cho biết, đã có 10 cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng bị thương trong khi làm nhiệm vụ bắt giữ tội phạm ma túy, một số cán bộ, chiến sĩ phải điều trị phơi nhiễm HIV.
 
Trong thời gian tới, lực lượng PCMT của hai nước Việt Nam - Lào đều chung nhận định, tình hình tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt - Lào nói chung, biên giới Việt - Lào thuộc địa phận qua tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm ma túy vẫn hoạt động mạnh, quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” về tập kết tại biên giới Việt - Lào, sau đó móc nối với số đối tượng người Việt Nam hình thành nhiều tuyến đường mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới tiêu thụ, hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba. Ma túy chủ yếu thẩm lậu qua các đường tiểu ngạch và lợi dụng vận chuyển hàng hóa hợp pháp qua các cửa khẩu giữa các tỉnh để đưa ma túy vào Việt Nam. 
 
Đối tượng hoạt động trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tại khu vực biên giới hai nước chủ yếu là người Lào và người Việt Nam. Các đối tượng triệt để lợi dụng mối quan hệ họ hàng, thân tộc với đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại khu vực biên giới 2 nước để hoạt động. Kết quả công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, mặc dù đạt được nhiều chiến công xuất sắc, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguồn ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh giáp biên để đi các tỉnh khác tiêu thụ hằng năm vẫn còn xảy ra với số lượng lớn. 
 
Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trong lĩnh vực này qua biên giới, Công an Nghệ An tiếp tục duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ, ký kết giao ước thi đua, hợp tác trong đấu tranh PCMT với các tỉnh giáp biên giới nước bạn Lào. Lực lượng PCMT hai nước phối hợp, duy trì có hiệu quả Văn phòng liên lạc PCMT qua biên giới (BLO), trụ sở đặt tại huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) và tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình kết nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm. Qua đó, từng bước đẩy lùi tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vì tình hữu nghị, đoàn kết, giao hảo và vì bình yên biên giới Việt - Lào.
.

THIỆN THÀNH

.