Trẻ em nghiện ma túy là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để quản lý đối tượng này cần đảm bảo tính nhân vân, phù hợp luật pháp quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Cụ thể, về cơ sở pháp lý theo Luật Trẻ em: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh (Điều 14); Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 29); Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp, bao gồm: a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp; b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em (Điều 50).
Đối chiếu các quy định trên, hoàn toàn đúng với trẻ em nghiện ma túy. Nghiện ma túy là bệnh tâm thần đặc biệt cần phải chữa trị công phu; cách ly chữa trị là một hình thức rõ nhất để bảo vệ các các em khỏi ma túy; cai nghiện là thực hiện quy trình, phác đồ chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tâm hồn; cai nghiện tại cơ sở cai nghiện là biện pháp can thiệp tốt nhất cách ly tạm thời các em khỏi môi trường bị đe dọa, bạo lực (từ bọn tội phạm, thậm chí, từ bạn bè sử dụng ma túy, người thân…), hơn nữa còn ngăn được bạo lực "ngược" từ trẻ em với bố mẹ, người thân.
Trước đây, theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 1/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 của Chính phủ quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, thì "Trường hợp người chưa thành niên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ về người đó cho Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh để tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật" chúng ta thực hiện đưa vào cơ sở cai nghiện (trước đây còn gọi là cơ sở chữa bệnh) trẻ vị thành niên.
Mặt khác, chúng ta cũng cần quan tâm đến Chuẩn quốc tế về điều trị rối loạn sử dụng ma túy gồm 7 nguyên tắc mà Liên hợp quốc thông qua tháng 3/2016 trước xu hướng sử dụng các loại ma túy mới tăng lên (đặc biệt là các ma túy tổng hợp dạng Amphetamine - ATS), trên cơ sở tiến bộ khoa học, đúc kết kinh nghiệm và trước yêu cầu từ thực tiễn các nước. 7 nguyên tắc đó là: 1- Điều trị cần luôn sẵn có, tiếp cận được, thu hút và phù hợp với nhu cầu của người bệnh. 2- Bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức trong dịch vụ điều trị. 3- Khuyến khích điều trị rối loạn sử dụng chất thông qua sự phối hợp hiệu quả giữa hệ thống tư pháp, y tế và các dịch vụ xã hội. 4- Điều trị phải dựa trên các bằng chứng khoa học và các nhu cầu cá nhân của bệnh nhân rối loạn nghiện chất. 5- Ứng phó với những nhu cầu của các nhóm và các điều kiện khác biệt. 6- Bảo đảm có cơ cấu quản trị lâm sàng tốt cho các dịch vụ và chương trình điều trị rối loạn sử dụng ma túy. 7- Các chính sách, dịch vụ, thủ tục, cách tiếp cận và mối liên kết tích hợp phải được theo dõi và đánh giá liên tục.
Tính thực tiễn của biện pháp
Trước năm 2014, người nghiện chưa thành niên (từ 12 đến dưới 18 tuổi) thuộc diện cai nghiện bắt buộc nhưng không phải là biện pháp xử lý hành chính. Ở các tỉnh, thành phố, cơ sở cai nghiện bố trí khu vực riêng dành cho các em và thực hiện 1 chương trình cai nghiện riêng phù hợp với đặc thù lứa tuổi. Thành phố Hồ Chí Minh có 1 cơ sở riêng là Trung tâm thanh thiếu niên 2 (đóng trên địa bàn huyện Củ Chi) chủ yếu cai cho lứa tuổi thiếu niên, lúc nào cũng có vài trăm em. Sau năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định cai nghiện "bắt buộc" cho lứa tuổi này nữa. Từ đây, cai nghiện cho các em chủ yếu là cai nghiện tự nguyện với các hình thức: cai tại gia đình, cai tự nguyện trong các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cai tự nguyện tại các cơ sở tư nhân….
Như vậy, cơ sở thực tiễn rất phong phú: hàng chục năm nay, các cơ sở cai nghiện đã có kinh nghiệm tiếp nhận trẻ em dưới 18 tuổi vào cai nghiện và không có vấn đề gì xảy ra. Những hình thức cai nghiện tự nguyện hiện nay (tại cơ sở nhà nước, tư nhân) cũng là cách ly các em khỏi môi trường ma túy trong thời gian nhất định.
Do vậy, ở mọi khía cạnh, không nên đặt vấn đề áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cơ sở cai nghiện với trẻ em nghiện ma túy mà có thể áp dụng biện pháp và thủ tục theo hướng thực hiện theo theo Luật Phòng, chống ma túy nhưng chỉ thay đổi về cơ quan ra quyết định cai nghiện.
Cụ thể, thay vì thực hiện theo cơ chế Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc để đưa đối tượng này vào điều trị, cai nghiện ma túy trong khu vực dành riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc (không coi là bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án cấp huyện ra quyết định. Thực hiện theo phương pháp trên chính là "tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay, là những biện pháp phòng ngừa sớm với những đặc thù riêng, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đảm bảo, "mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này thì khả năng phục hồi, sửa chữa vi phạm của các em sẽ rất khó đạt được".
.