Chủ Nhật, 07/07/2019, 09:36 [GMT+7]

Khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy ở Nghệ An

(Congannghean.vn)-Nghệ An không chỉ được biết đến là địa bàn “nóng” của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy mà còn là một trong những địa phương có tỉ lệ người nghiện ma túy cao nhất cả nước. Trước thực trạng đó, các cơ quan, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tội phạm và tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập...
 
Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp
 
Với chiều dài đường biên giới 419 km, Nghệ An tiếp giáp với ba tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay của nước bạn Lào. Dân cư sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, sống thưa thớt thành những bản làng nhỏ, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Nhân dân hai bên biên giới có quan hệ dòng tộc, dòng họ lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân. Ðây là điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động. Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, vắng vẻ, từ bên kia biên giới, ma túy được các đối tượng vận chuyển trái phép vào Nghệ An. 
 
Theo báo cáo của Văn phòng Liên lạc phòng chống ma túy qua biên giới (BLO) tỉnh Nghệ An, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, tình hình mua bán, thẩm lậu ma túy qua biên giới Việt - Lào vào Nghệ An tiêu thụ hoặc trung chuyển đi các tỉnh khác diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, lượng ma túy tổng hợp từ Lào vào Nghệ An ngày càng nhiều do tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp ở Lào gia tăng, giá chỉ bằng 1/2 so với trước đây. Chỉ trong hơn 2 năm, Công an tỉnh Nghệ An đã khám phá 156 chuyên án, vụ án mua bán trái phép chất ma túy, bắt 252 đối tượng, thu 284 bánh hêrôin, 857,5 kg ma túy dạng đá... 
 
Cùng với việc mua bán ma túy và các chất gây nghiện, số người nghiện ma túy của tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, 5.683 người nghiện có mặt tại cộng đồng, 862 đối tượng cai nghiện tại các trung tâm và 444 người ở trại tạm giam. Tuy nhiên, con số được thống kê mới chỉ phản ánh được một phần thực tế số người nghiện trên địa bàn tỉnh, bởi hiện nay còn tồn tại một số lượng lớn người nghiện ma túy hoạt động lưu động, làm nghề tự do… chưa được xét nghiệm và lập hồ sơ quản lý. Trên địa bàn tỉnh có 21/21 huyện, thành, thị có người nghiện ma túy, 6 tụ điểm và hơn 340 điểm bán lẻ ma túy. Đây cũng là một vấn đề cấp bách cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy cũng như công tác quản lý người nghiện trên địa bàn toàn tỉnh. 
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ tuyên truyền về phòng, chống ma túy  của các học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ tuyên truyền về phòng, chống ma túy của các học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II
Nan giải trong quản lý người nghiện
 
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm chức năng cai nghiện trên địa bàn tỉnh đang tổ chức quản lý và cai nghiện cho 2.136 người nghiện ma túy. Trong đó, năm 2018 chuyển qua 1.447 người và 6 tháng đầu năm 2019 tiếp nhận thêm 689 người cai nghiện mới (bắt buộc 492 người, tự nguyện 197 người), tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 644 học viên. Riêng địa bàn TP Vinh trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 168 đối tượng, cai nghiện cộng đồng cho 98 đối tượng. Còn tại huyện Tương Dương, Tòa án nhân dân huyện đã ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa đối với 635 đối tượng nghiện ma túy. Trong đó có 611 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 23 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 1 đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng.
 
Ông Nguyễn Trọng Việt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, số người nghiện ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy đá) ngày càng tăng cao, trong khi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh lại tiếp nhận quá ít số người nghiện mới. Một khi người nghiện không được quản lý chặt chẽ hoặc không được đưa đi cai nghiện tập trung sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu tác động lôi kéo đi vào con đường phạm pháp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Đối tượng nghiện ma tuý đa số là người có trình độ học vấn thấp, không có việc làm, thường bị rối loạn tâm thần và có tiền án, tiền sự nên công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý còn nhiều hạn chế. Không những vậy, hiện nay xuất hiện thêm nhiều loại ma tuý mới chưa có trong danh mục quy định của Chính phủ, dẫn đến khó xác định tính lệ thuộc dẫn đến việc điều tra, phát hiện để lập hồ sơ quản lý và tổ chức các hoạt động cai nghiện càng khó khăn hơn. 
 
Một trong những khó khăn lớn trong việc cai nghiện ma túy hiện nay là do vướng mắc về quy trình, thủ tục lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ và quyết định đưa người vào cai nghiện bắt buộc. Trước đây các đối tượng nghiện sau khi được phát hiện chỉ cần có xác minh của lực lượng Công an là có thể đưa thẳng vào các trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, hiện nay, áp dụng Nghị định 221/NĐ-CP, để đưa người vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc phải có quyết định của Tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của các đơn vị: Công an, phòng Tư pháp, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nên mất rất nhiều thời gian. Trong khi chờ có quyết định chính thức từ Tòa án, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở quản lý. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có nhà lưu giữ nên việc quản lý đối tượng nghiện trong giai đoạn thẩm tra là rất khó khăn. Có những đối tượng sau khi có quyết định của Tòa án thì đã không còn xuất hiện trên địa bàn nữa. Mặt khác, Nghị định 221 đề ra quy định không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng và đối tượng đang điều trị bằng methadone đã và đang tạo ra kẽ hở cho đối tượng nghiện “thoát lệnh” cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, việc xác định tình trạng nghiện cũng không hề đơn giản. Theo quy định, người nghiện phải có 3 ngày tự nguyện đến cơ sở y tế để theo dõi, sau đó mới ký giấy xác nhận tình trạng nghiện. Song thực tế, chẳng có người nghiện nào chịu nằm ở cơ sở y tế để theo dõi, xác nhận tình trạng nghiện. 
 
Một thực tế nữa hiện nay là công tác cai nghiện tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí còn hạn chế. Cán bộ làm công tác cai nghiện chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên khó có trình độ chuyên môn cao cũng như công tác quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn giải độc. Ở địa phương chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ, dụng cụ, thuốc chữa trị... theo quy định nên việc cai nghiện vẫn chưa được triển khai thực hiện tốt. Thêm nữa, công tác quản lý người nghiện còn gặp nhiều khó khăn do sự vào cuộc của một số địa phương chưa quyết liệt, đồng đều; trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội chưa cao...
 
Để góp phần quản lý hiệu quả các đối tượng sử dụng ma tuý trên địa bàn, bên cạnh việc xử lý các đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý, các lực lượng chức năng cần có biện pháp răn đe, xử lý mạnh các đối tượng sử dụng chất ma tuý. Song song với đó, chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, mở rộng cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc methadone ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn, kinh phí triển khai thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy về các kỹ năng theo quan điểm đổi mới công tác cai nghiện; bố trí, tạo việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để người nghiện sau khi cai nghiện từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và không tái sử dụng ma túy; tổ chức thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng" ở địa phương. 
.

Cao Loan