Phóng sự
Nỗi day dứt của cán bộ tha hóa buôn ma túy
14:53, 18/02/2019 (GMT+7)
Trước sức ép về kinh tế Nuôi đã không thể khoanh tay đứng nhìn. Ông ta bắt đầu gây dựng mối quan hệ với những người bạn từng trong quân ngũ. Một trong số đó là Nguyễn Trung Thông - một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy, súng quân dụng bị bắt sau này...
Khi còn là Trưởng đồn Biên phòng Phó Bảng, Đồng Văn (Hà Giang), Nguyễn Tiến Nuôi, 59 tuổi, trú tại Vị Xuyên, Hà Giang đã tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy và súng quân dụng lớn. Phải tới 13 năm sau, đường dây này mới bị phát giác và Nguyễn Tiến Nuôi mới bị bắt, sau đó bị kết án chung thân.
Điều day dứt nhất của phạm nhân chính là vì sai lầm của mình mà các con đã bị cản đường thăng tiến. Nuôi bảo giá mà chúng cứ trách giận bố thì có lẽ ông ta sẽ bớt ân hận, đằng này các con của Nuôi vẫn thường xuyên lên thăm bố và động viên bố cải tạo thật tốt để sớm về đoàn viên bên gia đình.
Buôn ma túy để lấy tiền đóng học cho con
Bị bắt từ năm 2004, bị kết án chung thân nhưng do phấn đấu cải tạo tốt nên năm 2015 Nguyễn Tiến Nuôi đã được xuống án có thời hạn. Phạm nhân này chia sẻ: “Từ khi được xuống án, tinh thần tôi phấn chấn và thực sự lúc đó mới dám mơ đến một ngày về đoàn tụ với vợ và các con”.
15 năm cải tạo trong trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), Nuôi luôn giữ được phong độ khỏe khoắn, trừ việc phải đeo kính lão do công việc làm mi giả đòi hỏi sự tỉ mẩn và chính xác.
Trước khi tiếp xúc với Nuôi, tôi đã nghĩ rằng sẽ rất khó khai thác chuyện từ người đàn ông này bởi ông ta là một người có trình độ, đã bước qua những hỉ, nộ, ái, ố sẽ trở nên bình thản với cuộc đời, khó mà dốc hết gan ruột nhưng tôi đã lầm.
Trò chuyện với Nuôi, tôi lại thấy ông ta rất thanh thản, giống với tâm thế của người đã nhận ra lỗi lầm của mình toàn tâm toàn ý sửa sai. Nuôi nói chuyện nhẹ nhàng, thi thoảng còn buông ra những câu hài hước về cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng khi tôi nhắc đến vợ con và gia đình, người đàn ông này đã cúi gằm mặt xuống. Ông ta bảo đó là nỗi ám ảnh và day dứt nhất đời mình vì đã không những không làm gì để họ được hạnh phúc mà ngược lại còn mang nỗi nhục cho vợ con.
Nguyễn Tiến Nuôi vui mừng khi nghĩ tới ngày về |
Đi lính từ năm 18 tuổi, đến khi xuất ngũ đã ngoài ba mươi, Nguyễn Tiến Nuôi trở về với cuộc sống của người dân bình thường. Nuôi bảo 16 năm công tác, đến khi về phục viên, tài sản ông ta mang về cho gia đình chẳng có gì ngoài mấy vật dụng cá nhân và một tấm thân vẫn còn đương sức cho con cái nương tựa.
Vợ chồng Nuôi sinh được 5 người con - kết quả của những chuyến về phép thăm nhà. Những lần về thăm chớp nhoáng rồi lại đi nên 5 người con của vợ chồng Nuôi đều do một tay người vợ quê tần tảo nuôi nấng. Thời kỳ Nuôi phục viên trở về quê hương thì những đứa con cũng đang ở tuổi ăn, tuổi học.
Trước sức ép về kinh tế Nuôi đã không thể khoanh tay đứng nhìn. Ông ta bắt đầu gây dựng mối quan hệ với những người bạn từng trong quân ngũ. Một trong số đó là Nguyễn Trung Thông – một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy, súng quân dụng bị bắt sau này.
Nuôi nhớ lại: “Khi tôi trở về, đứa lớn đang học cấp ba, đứa bé mới vào cấp một nhưng đứa nào cũng phải đóng tiền cả. Vợ thì làm công chức nhà nước phải đi nhiều mà lương chẳng đáng là bao nên tôi phải làm đủ nghề, buôn đủ thứ để lấy tiền cho con ăn học nhưng vẫn luôn trong cảnh giật gấu vá vai. Đúng lúc đó thì tôi liên lạc với anh Thông, anh Thông rủ tôi đi buôn thuốc phiện.
Ngày tôi còn trong quân ngũ, thuốc phiện dân bán bằng chậu, mua dễ hơn mua rau vì thế mà tiền bán cũng chỉ vài chục ngàn, tiêu vèo là hết chứ đâu có lợi nhuận khủng khiếp như bây giờ. Bẵng đi một thời gian, tới khi nghe anh Thông bị bắt vì buôn súng, tôi vẫn nghĩ mình chẳng làm sao vì hai tội khác nhau. Ai dè sau đó họ mở rộng điều tra nên tôi bị bắt và còn bị kết án chung thân”.
Day dứt vì cản đường tiến thân của các con
Trong suy nghĩ của Nguyễn Tiến Nuôi thì việc mình đã chấm dứt buôn bán thuốc phiện rồi mà không ai phát hiện ra nghĩa là đã “hạ cánh án toàn”. Tuy nhiên không may cho Nuôi khi mà phải tới 13 năm sau, tức năm 2004, đối tượng Nguyễn Trung Thông bị Công an bắt về tội buôn bán trái phép súng quân dụng thì mọi tội lỗi của Nuôi trong quá khứ đã bị lật tẩy.
Vụ án ngày đó đã nổi đình đám bởi số lượng người tham gia với đủ các thành phần công chức Nhà nước từ công an, quân đội, giáo viên... đến dân buôn bán. Hơn 40 con người bị bắt giữ trong đó có Nguyễn Tiến Nuôi.
Nuôi tâm sự, ông ta không sao quên được cái ngày mình bị bắt, mọi thứ như sụp đổ. Cho đến bây giờ Nuôi vẫn bị ám ảnh ánh mắt ngơ ngác của vợ và các con khi chồng và cha bị Công an còng tay.
Nuôi nhớ lại: “Ngày tôi mua bán thuốc phiện là khoảng đầu những năm 90, mỗi kilôgam thuốc phiện cũng chỉ được vài chục ngàn đồng mà đâu phải ngày nào cũng có để bán. 13 năm sau tôi bị bắt, khi đó con trai đầu đang học đại học năm thứ ba, đứa thứ hai đang học năm thứ nhất đại học quân sự, còn con gái út thì 13 tuổi. Giờ con gái út tôi đã là cử nhân đại học, đi làm và lấy chồng rồi”.
Giọng ông ta chợt nghẹn lại khi nhắc đến cậu con trai thứ hai. Nuôi bảo mỗi khi nhắc đến cậu con trai này, ông ta có cảm giác như có vật gì đó chèn ngang cổ họng, ngạt thở và khó chịu.
Theo lời Nuôi thì cậu con trai thứ hai của ông ta có ước mơ phục vụ trong quân ngũ, đã thi đỗ đại học ngành quân sự rồi nhưng thời điểm đang học năm thứ nhất thì Nuôi bị bắt nên bị buộc thôi học. Không còn được theo đuổi ước mơ ấp ủ ngày nào, người con trai này của Nuôi đi học ngành kế toán rồi về nhà mở công ty tư nhân.
Nuôi bảo: “Giá mà chúng nó trách móc, nặng lời với tôi có khi tôi lại thấy nhẹ nhõm. Đằng này chẳng đứa nào phàn nàn một câu. Lần nào vào trại thăm bố cũng động viên bố cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được về đoàn tụ với gia đình khiến tôi thấy nợ chúng nó nhiều quá. May mắn cho tôi là cả 5 đứa con đều học hành đến nơi đến chốn, có bằng cấp đàng hoàng và đều là những công dân tốt”.
Công việc tỉ mẩn khiến nam phạm nhân này phải đeo kính để không bị sai sót |
Thời gian đầu về cải tạo tại trại giam Vĩnh Quang, Nguyễn Tiến Nuôi luôn có cảm giác mặc cảm về tội lỗi của mình nên luôn xa lánh những phạm nhân xung quanh. Thậm chí nhiều đồng đội biết tin Nuôi bị bắt cũng đã đến tận trại để thăm nhưng người thì bị Nuôi từ chối gặp, người thì Nuôi chỉ gặp chớp nhoáng rồi lấy lý do phải làm việc nên rút lui. Mãi sau này khi đã chấp nhận sự thật và khi thấy con cái ngoan ngoãn, khôn lớn trưởng thành, Nuôi mới cởi mở lòng mình.
Nam phạm nhân này chia sẻ: “Vài tháng vợ con tôi lại xuống thăm một lần. Đồng đội cũ, chủ yếu là những sĩ quan cấp dưới của tôi, giờ có người đã là thượng tá, là đồn trưởng, đồn phó, cũng thi thoảng ghé thăm. Tôi rất biết ơn các bạn mình bởi sự thăm hỏi của họ đã cho tôi động lực đi tiếp chặng đường cải tạo của mình. Tôi có cảm giác mình nợ họ một lời xin lỗi nhưng chưa lần nào tôi đủ can đảm nói ra hai từ ấy”.
Từ án chung thân xuống án có thời hạn, mấy năm nay, năm nào Nuôi cũng được xếp loại khá. Hỏi cảm giác ngày nhận được tin xuống án, Nuôi hào hứng khoe: “Cảm giác như đang sống những ngày đông giá rét chợt một ngày nắng bừng lên và phát hiện ra trên cành cây khẳng khiu chi chit những chồi xanh”.
Hơn chục năm sống trong trại giam, vẫn con đường ấy, lối đi ấy từ xưởng lao động về khu giam, Nuôi có thể nhắm mắt bước đi mà vẫn có thể đếm được bao nhiêu bước, có chỗ nào gồ ghề, nay vẫn lối đi ấy nhưng mọi thứ dường như đã khác.
Trước khi cho chúng tôi chụp ảnh, Nuôi sửa lại tư thế ngồi ngay ngắn. Hẳn là lúc này Nguyễn Tiến Nuôi đang tràn trề hy vọng về ngày đoàn tụ không xa. Lời xin lỗi bấy lâu giữ chặt trong lòng sẽ được người đàn ông này nói ra với gia đình, đồng đội nhưng cao cả và thiêng liêng hơn chính là lời xin lỗi mà rất nhiều lần ông thầm nhủ trong lòng khi nghĩ đến bộ quân phục đã từng mang trên người, thời kỳ còn ở chốt tiền tiêu của Tổ quốc.
Những năm 1994-1996, việc mua bán 70 khẩu súng, 9 bánh heroin và gần 1 tấn thuốc phiện được coi là con số kỷ lục. Tuy nhiên, 13 năm sau, đường dây tội phạm này mới được phát hiện khi 2 đối tượng trong nhóm đang vận chuyển 4 khẩu súng ngắn K54 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị bắt quả tang vào trưa 1/12/2004. Và từ 2 kẻ này, lực lượng Công an đã lần ra đường dây tội phạm này, đưa hơn 40 đối tượng trong đó có Nguyễn Tiến Nuôi ra vành móng ngựa, chịu sự phán xét của pháp luật. Đường dây này gom thuốc phiện ở các tỉnh, sau đó thông qua Đồn Biên phòng Phó Bảng nơi Nuôi công tác để tuồn qua Trung Quốc.
Nguồn: CAND